Still từ 'Gerhard Richter: 'Họa sĩ không cọ'

Những Tác Phẩm Nghệ Thuật Trừu Tượng Nổi Tiếng Nhất Trong Vòng 100 Năm Qua (Phần 1)

Từ khi ra đời vào cuối thế kỷ 19 đến nay, nghệ thuật trừu tượng đã trở nên thịnh hành và ngày càng phát triển qua vô vàn tác phẩm. Trường phái linh hoạt này đã phát triển vô cùng mạnh mẽ thành hàng trăm trào lưu nghệ thuật khác nhau, có thể kể đến như Abstract Expressionism (Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng), Lyrical Abstraction (Chủ nghĩa Trừu tượng Trữ tình), Colour Field, Post-painterly Abstraction (Hậu trừu tượng họa pháp), hay thậm chí là Minimalism (Phong cách tối giản).

Sức mạnh của nghệ thuật trừu tượng cũng đã thấm dần vào nghệ thuật đương đại và vẫn giữ vị trí thống lĩnh thị trường trong các phòng trưng bày thương mại và nhà đấu giá ngày nay. Sự phát triển nhanh chóng của nhóm Abstraction-Création, hội nhóm được thành lập để chống lại ảnh hưởng của những người theo chủ nghĩa Siêu thực, hay những họa sĩ trừu tượng nổi danh ngày nay vẫn luôn cho ra mắt các tác phẩm mới đều là bằng chứng cho việc trường phái nghệ thuật này sẽ còn tồn tại rất lâu sau này.

Trong bài viết này, The S Culture sẽ giới thiệu với độc giả 15 tác phẩm nghệ thuật đã và đang có những ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến nghệ thuật trừu tượng:  

1. Composition X, 1939 – Wassily Kandinsky

Composition XWassily Kandinsky.
Ảnh đóng góp từ wassilykandinsky.net

Được biết đến như một người tiên phong trong phong trào vẽ tranh trừu tượng, Wassily Kandinsky không chỉ là một họa sĩ người Nga nổi tiếng mà còn là một nhà lý luận nghệ thuật. Những dấu ấn mà ông khơi dậy và để lại cho giới nghệ thuật và trong phong cách trừu tượng có thể nói là vô tiền khoáng hậu, điển hình là với việc đồng sáng lập nhóm nghệ thuật Phalanx và New Group of Artists (Tân hội Nghệ thuật) hay việc tổ chức các cuộc triển lãm cho những người cùng thời với ông trong suốt những năm tháng hoạt động nghệ thuật. Trong sự nghiệp của mình, ông đã cho ra đời hơn 600 tác phẩm, điển hình là một bức vẽ năm 1913 sau này đã lập kỷ lục về giá bán đấu giá đối với tranh của ông – 41,6 triệu đô la (hơn 960 tỷ đồng) vào năm 2017.

Với tất cả những thành tích đã kể trên, tác phẩm đáng chú ý nhất của ông lại là ‘Composition X’. Với tác phẩm cuối cùng trong chuỗi tác phẩm để đời mang tên ‘Compositions’ này, ông đã thể hiện tài hoa của mình qua sự tinh tế về đường nét và hình dáng. Tại thời điểm đó, ông không thường dùng màu đen trong các tác phẩm của mình. Vì vậy, các nhà phê bình tin rằng tác phẩm này vừa gợi liên tưởng đến vũ trụ vừa minh họa cho bóng tối báo trước điểm cuối cuộc đời của ông.

2. Composition II in Red, Blue, and Yellow, 1930 – Piet Mondrian

Composition II in Red, Blue, and YellowPiet Mondrian
Ảnh đóng góp từ Google Arts & Culture

‘Composition II in Red, Blue, and Yellow’ đánh dấu một bước chuyển mình vô cùng tinh tế trong phong cách hội họa của Piet Mondrian. Với mục tiêu thể hiện nghệ thuật trừu tượng đến mức tuyệt đối, Mondrian tin rằng sự thuần khiết tuyệt đối có thể được thể hiện qua trường phái ‘Neo-Plasticism’, hay còn gọi là nghệ thuật tạo hình (plastic arts). Ông tìm kiếm sự cân bằng thông qua các tác phẩm của mình và cũng đã viết rất nhiều về sự hài hòa trong bố cục tác phẩm. Ông xem xét kỹ lưỡng việc bố trí màu sắc, kích thước của hình dạng và chất lượng bề mặt trong các tác phẩm của mình, qua đó hy vọng đạt được sự ‘tĩnh lặng’ trong các tác phẩm.

Có lẽ rất nhiều người sẽ nhìn thấy tác phẩm này ít nhất một lần trong đời. Bức tranh này đã trở thành một trong những biểu tượng nghệ thuật của nửa cuối thế kỷ 20, đồng thời cũng đã để lại dấu ấn rất rõ nét trong văn hóa đại chúng ngày nay. Có thể nói rằng Mondrian đã đạt được sự hoàn hảo trong việc thể hiện sự cân bằng trong tác phẩm của mình. Những đường nét lớn tương phản với hình vuông lớn màu đỏ, hình chữ nhật nhỏ màu vàng xuất hiện ở góc cuối, màu đỏ hòa với màu xanh, tất cả những chi tiết này đều ẩn chứa ý nghĩa sâu sắc hơn là trình bày nên một bức tranh bắt mắt.  

3. Peinture (Etoile Bleue), 1927 – Joan Miro

Peinture (Etoile Bleue) – Joan Miro
Ảnh đóng góp từ The Observer

Miro vốn được biết đến là một nghệ sĩ nổi tiếng của trường phái Siêu thực, và ‘Peinture (Etoile Bleue)’ có thể được xem là tác phẩm chuyển đổi giữa nghệ thuật tượng hình và nghệ thuật trừu tượng của ông. Vào năm 2012, trong Buổi Đấu giá về Trường phái Ấn tượng và Nghệ thuật hiện đại của phòng đấu giá Sotheby’s, bức ‘Peinture (Etoile Bleue)’ đã dẫn đầu danh sách với cái giá £23.5 triệu (hơn 721 tỷ đồng). Đây là mức giá kỷ lục đối với tranh của Miro, và cũng gấp 3 lần so với cái giá của nó 5 năm trước đó.

Bức tranh này là một trong những tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp của Miro. Đáng chú ý là, sắc lam đậm của bức tranh sau này còn xuất hiện trong các tác phẩm khác của ông, và cũng đã truyền cảm hứng cho những họa sĩ như Mark Rothko và Yves Klein. 

4. 1934 (Relief), 1934 – Ben Nicholson OM

1934 (Relief)Ben Nicholson OM
Ảnh đóng góp từ the Tate

Lấy cảm hứng từ cách tranh vẽ đại diện cho các chiều không gian, Ben Nicholson đã rời xa các tác phẩm tượng hình và trừu tượng lấy cảm hứng từ Chủ nghĩa Hậu ấn tượng và Chủ nghĩa Lập thể để tiến hành thử nghiệm và sản xuất các tác phẩm trừu tượng của mình. Các tác phẩm điêu khắc trừu tượng được sơn trắng này đã thể hiện rõ kỹ năng khéo léo của đôi bàn tay người họa sĩ tài hoa này.

Mức độ quan trọng của ‘1934 (Relief)’ nằm ở những ảnh hưởng nó đem lại, đặc biệt là từ Piet Mondrian và nhà điêu khắc Barbara Hepworth (người sau này trở thành người yêu của ông). Sự chuyển đổi nhanh chóng từ những bức tranh trừu tượng trước đây của ông sang những bức phù điêu này có lẽ bắt nguồn từ việc ông đã gặp Mondrian một năm trước khi sáng tạo nên chúng, cùng với việc được truyền cảm hứng rất nhiều từ những nghệ thuật gia trừu tượng khác như Joan Miro và Alexander Calder. 

5. Convergence, 1952 – Jackson Pollock

ConvergenceJackson Pollock
Ảnh đóng góp từ jackson-pollock.org

Trong 44 năm ngắn ngủi của cuộc đời, Jackson Pollock đã hoàn thành 363 bức tranh. Ông nổi tiếng với kỹ thuật nhỏ màu, và nhiều bức tranh của ông cũng đã để lại dấu ấn vô cùng sắc nét trong giới nghệ thuật.

Và trong số những tác phẩm đó, ‘Convergence’ nằm ở vị trí đứng đầu. Bức tranh này đánh dấu một bước phát triển quan trọng và sáng tạo trong lịch sử hội họa, đó là hiện thân của quyền tự do ngôn luận qua nghệ thuật. Qua bức tranh này, Pollock đã bày tỏ suy nghĩ về mối đe dọa đến từ Chủ nghĩa Cộng sản và chiến tranh lạnh với Nga. Tác phẩm này đã được miêu tả là “thể hiện mọi thứ nhân dân Mỹ đại diện một cách lộn xộn nhưng cũng vô cùng sâu sắc”.

Vào năm 1964, một công ty về ghép hình đã cho ra mắt bức ‘Convergence’ dưới dạng tranh ghép 340 miếng với danh hiệu “trò ghép hình khó nhất thế giới”. Hàng ngàn người Mỹ đã đổ xô đi mua sản phẩm này, từ đó tô đậm thêm sức ảnh hưởng của Pollock lên đất nước này.

6. Mountains and Sea, 1952 – Helen Frankenthaler

Mountains and SeaHelen Frankenthaler
Ảnh đóng góp từ Guggenheim Bilbao

Điểm giao thoa đáng nổi bật giữa Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng và phong cách Color-field là tác phẩm ‘Mountains and Sea’ (Tạm dịch: Núi non và biển cả) của Helen Frankenthaler. Frankenthaler được ca ngợi vì kỹ thuật “vết loang”, và đây cũng là tác phẩm đầu tiên sử dụng kỹ thuật đó. Với kỹ thuật này, Frankenthaler đã pha loãng sơn bằng nhựa thông hoặc dầu hỏa, chất lỏng thu được này sẽ được hấp thụ qua các bức tranh sơn dầu không có khuôn. Vết loang này sẽ để lại cảm giác rằng các tác phẩm của bà luôn luôn chuyển động.

Frankenthaler đã thấy những bức vẽ trắng đen của Jackson Pollock ở một phòng trưng bày tại New York, từ đó lồng ghép thêm một chút phóng khoáng vào các tác phẩm của mình. Các tác phẩm trừu tượng của bà, với phong cách mờ ảo kỳ diệu, có thể tạo ra nhiều khung cảnh đối với mỗi người xem. Các tác phẩm nhẹ nhàng và hoa mỹ của bà tương phản với bút pháp impasto nhiều lớp vốn rất phổ biến lúc bấy giờ và đã ảnh hưởng đến rất nhiều nghệ sĩ xung quanh bà. 

Độc giả có thể đọc phần 2 của bài viết này tại đây.

Nguồn: The Artling

Share this post

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Tin Mới Nhất