Bạn hãy quên kim cương, ngọc lục bảo và hồng ngọc đi. Các nhà sưu tập sành sỏi ngày nay đang tìm kiếm những đồ trang sức mang trên mình những viên đá quý hiếm, siêu nổi bật và đôi khi đạt đến độ gần như không thể tìm thấy.
Những viên ngọc này được săn lùng vì chúng có hiệu ứng quang học tuyệt vời như thay đổi màu sắc (như alexandrite) hay được hình thành từ một quy trình hữu cơ tuyệt diệu (như ngọc trai ốc xà cừ).
Đối với những loại đá quý tuyệt hảo nhất, nguồn gốc xuất xứ là yếu tố tối quan trọng. Chính bởi vậy, hãy cùng The S Culture bước vào một chuyến tham quan có hướng dẫn viên vòng quanh thế giới để tìm hiểu những câu chuyện đằng sau những viên đá đặc biệt và hấp dẫn nhất trên thị trường nhé!
Peridot — Myanmar
Là một trong những loại đá quý lâu đời nhất được biết đến, Peridot đã được người ta săn tìm từ thời Ai Cập cổ đại, với cái tên ưu ái là “viên đá của mặt trời”. Liên kết giữa khoáng vật màu vàng xanh này với các vì sao đã được tiên đoán từ trước. Các tinh thể Peridot được tìm thấy từ các thiên thạch đâm vào trái đất, hoặc từ tàu vũ trụ NASA trong quá trình thu thập các mẫu vật từ bụi sao chổi trong không gian.
Peridot có nhiều màu sắc khác nhau. Một số loại mẫu vật xanh nhất đôi khi còn bị nhầm lẫn với ngọc lục bảo khi nhận dạng trong phòng thí nghiệm. Peridot có độ khúc xạ kép cao, ánh sáng được phản chiếu nhiều hơn qua các mặt cắt của đá, khiến cho chúng có độ sáng giống như một viên kim cương.
Những viên peridot tốt nhất có nguồn gốc từ Myanmar, và luôn được tôn vinh bởi màu sắc rực rỡ của chúng. Chiếc vòng cổ này là của Verdura được gắn 55 viên Peridot Burmese, được cắt theo kiểu cushion, có trọng lượng hơn 275 carat và giá trị là $265,000 (khoảng 6 tỷ đồng)

Alexandrite — Nga
Lần đầu tiên được tìm thấy ở dãy núi Ural của Nga vào năm 1830, viên đá quý đặc biệt với đặc tính thay đổi màu sắc cực kỳ quý hiếm này đã được đặt tên theo vị hoàng tử mà sau này trở thành Hoàng đế Czar Alexander II. Đá Alexandrite chuyển màu dưới các nguồn ánh sáng khác nhau: Trong ánh sáng ban ngày, alexandrite có màu xanh lục nhạt đến xanh lục; dưới ánh sáng nhân tạo, nó lại mang tông màu đỏ đến đỏ tía.
Ngày nay, các mỏ đá quý ở Nga rất hạn chế việc khai thác, nhưng người ta cũng đã tìm thấy các mỏ khác ở Sri Lanka, Brazil và Đông Phi. Alexandrite là một trong những viên đá đắt nhất thế giới. Đôi khi giá lên tới 70.000 đô la (1.6 tỷ đồng) mỗi carat cho những mẫu vật chất lượng cao nhất có sự thay đổi màu sắc mạnh mẽ và sống động nhất.
Tuy nhiên, hầu hết các mẫu vật đều nhỏ hơn một carat, khiến cho những viên đá lớn hơn có giá trị đặc biệt. Chiếc nhẫn cùng trong bức ảnh phía trên của Oscar Heyman có một viên alexandrite 5,74 carat tuyệt đẹp được bao bọc bởi hai viên kim cương hình bầu dục. Kích thước của viên đá và sức mạnh của màu sắc khiến nó trở thành một tác phẩm vô song đối với các nhà sưu tập. Giá trị: $370,000, tương đương khoảng 8.5 tỷ đồng.
Paraíba Tourmaline — Brazil
Tourmaline có nhiều màu, nhưng chỉ những màu đặc biệt và độc đáo mới có tên riêng. Paraíba Tourmaline, nổi tiếng với màu xanh của bể bơi, lần đầu tiên được phát hiện ở Paraíba, Brazil, vào những năm 1980. Các mỏ đồng trong khu vực này tạo cho đá quý một tông màu xanh ngọc, thực sự nổi bật ngay cả so với những viên đá tốt nhất. Một số trầm tích đã được tìm thấy ở Mozambique và Nigeria, nhưng ở đó có ít đồng trong đất hơn nên màu sắc có thể ít hấp dẫn hơn.
Nhiều người đề cao tính thuần túy chỉ công nhận Tourmaline Paraíba từ các mỏ đầu tiên được phát hiện mới là Paraíba thực sự, vì vậy mà đá ở Brazil thường có giá cao hơn. Nhưng những mỏ đầu tiên đó đã dừng khai thác, làm hạn chế nguồn cung từ Nam Mỹ. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều nhà sưu tầm khám phá và tìm hiểu về vẻ đẹp của viên đá này.
Thị trường cũng đã có sự thay đổi. Quig Bruning, người đứng đầu bộ phận trang sức của Sotheby’s New York, cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến sự tăng vọt về nhu cầu của các loại tourmaline Paraíba chất lượng cao tại các phiên đấu giá trong vài năm qua,” dẫn đến mức giá phá kỷ lục. Thương hiệu Oscar Heyman cũng thường xuyên sử dụng Paraíba tourmaline để chế tác trang sức, và chiếc vòng cổ dưới đây là một ví dụ điển hình. Mẫu hình này được đính 32 viên tourmaline Paraíba hình quả lê được kết hợp một cách hoàn hảo với 52 viên kim cương, tăng thêm độ sáng và màu sắc cho chiếc vòng. Giá trị: 600.000 đô la (gần 14 tỷ đồng).

Grandidierite — Madagascar
Grandidierite hiếm đến mức hầu hết các nhà sưu tập thậm chí chưa bao giờ nghe nói về nó, tận mắt chứng kiến thì còn càng hiếm hoi hơn. Lần đầu tiên loại đá này được phát hiện là ở Madagascar vào năm 1902. Sau đó người ta cũng chỉ phát hiện được rất ít grandidierite có đủ chất lượng của đá quý – chỉ 1 trên 10.000 viên đá thô đáp ứng được tiêu chí, vì vậy chúng đã không được sử dụng trong chế tác trang sức, cho đến khi một phần trầm tích được tìm thấy ở miền nam Madagascar vào năm 2014.
Những viên grandidierite chất lượng hàng đầu có màu lục phớt lam và độ bão hòa lớn. Các viên đá thường khá nhỏ. Năm ngoái, Phillips có được viên đá quý đầu tiên, và có thể là duy nhất, từng được bán đấu giá: Một viên đá quý đặc biệt nặng 4,78 carat đã được rèn, giá 52.500 đô la (1.2 tỷ đồng), tức gần 11.000 đô la (255 triệu đồng) mỗi carat.

Padparadscha Sapphire — Sri Lanka
Viên ngọc bích hiếm nhất trong số các viên ngọc bích có màu sắc lạ mắt – đá sapphire Padparadscha, đến từ Sri Lanka, và ở nơi đây nó luôn được trân trọng trong nhiều thế kỷ. Padparadscha có màu hồng cam đặc biệt và lấy tên từ chữ Sinhalese, có nghĩa là hoa sen, bởi màu sắc của chúng tương tự như loại hoa này. Bruning tại Sotheby’s New York cho biết: “Chính sự cân bằng hiếm có giữa màu hồng và màu cam đã tạo cho viên sapphire một vẻ ấm áp tươi sáng và kết cấu mềm mại, tinh tế.”
Màu sắc đặc biệt này không xuất hiện trong bất kỳ loại đá quý tự nhiên nào khác. Những mẫu đá giá trị nhất có màu sắc đậm hơn gợi nhớ đến hoàng hôn vùng nhiệt đới. Những viên ngọc bích với vẻ ngoài tương tự đã được tìm thấy ở Đông Phi, nhưng nhiều nhà sưu tập và thợ kim hoàn tin rằng một viên sapphire Padparadscha thật chỉ có thể đến từ Sri Lanka.
Nguồn cung hạn chế khiến những viên đá chất lượng cao có giá khá đắt. Lorraine Schwartz đã giới thiệu loại đá quý đặc biệt này trong đôi bông tai dưới đây bằng cách kết hợp các loại mặt cắt khác nhau — bao gồm hình quả lê, hình bầu dục và hạt cẩm thạch — và có các sắc thái màu sắc khác nhau từ thiên hồng đến thiên cam. Giá trị: $245,000 (5.6 tỷ đồng).

Tanzanite — Tanzania
Chất tanzanite đậm, màu xanh tím, chỉ được tìm thấy ở một nơi duy nhất trên Trái đất: Tanzania. Các nhà địa chất cho biết mỏ tanzanite được hình thành cùng lúc với núi Kilimanjaro. Sự hiện diện của một nguyên tố hóa học hiếm – vanadi, giữa sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo đã mang lại cho các tinh thể màu sắc đặc biệt của chúng.
Các chuyên gia tin rằng, với những điều kiện bất thường như vậy đằng sau sự hình thành của nó, tanzanite không thể có ở bất cứ đâu ngoài Mererani Hills. Trong 30 năm nữa, nguồn cung của khu phức hợp mỏ này có thể cạn kiệt hoàn toàn và có thể không còn loại tanzanite mới, khiến nó trở thành một viên đá của những nhà sưu tập thực thụ.
Công chúng chỉ mới biết đến tanzanite vào cuối những năm 1960 khi thương hiệu trang sức Tiffany & Co. đặt tên và giới thiệu loại đá quý mới với thế giới trong một bộ sưu tập trang sức ngoạn mục của họ. Đó là một tinh thể đa sắc, nó có đến ba sắc thái khác nhau của màu xanh và tím khi nhìn theo các hướng tinh thể khác nhau. Những viên đá được đánh giá cao nhất có màu tím đậm, khiến chúng trở nên khác biệt với một loại đá xanh nổi tiếng khác là sapphire. Chiếc vòng cổ trang sức cao cấp đặc biệt này (ảnh phía trên) của Tiffany có 108 carat tanzanite cắt hình quả lê được bao quanh bởi kim cương, làm nổi bật tông màu tím đặc biệt của loại đá này. Giá trị: $245,000 (5.6 tỷ đồng)
Ngọc trai ốc xà cừ — Vùng Ca-ri-bê
Giống như ngọc trai thật, ngọc trai ốc xà cừ đến từ một loài nhuyễn thể, nhưng nó không được hình thành bởi xà cừ như ngọc trai thật. Nhiều thế kỷ trước, cả ốc xà cừ và ngọc trai thật chỉ được tìm thấy một cách tình cờ trong tự nhiên, điều này khiến chúng trở nên rất khan hiếm với giá trị cao và chỉ được đeo bởi hoàng gia và quý tộc. Ngày nay, ngọc trai thật được nuôi cấy với số lượng lớn, vì vậy “cơn khát” về các mẫu ngọc trai tự nhiên đã giảm bớt.
Tuy nhiên, ngọc trai ốc xà cừ không thể được nuôi cấy, vì vậy chúng cực kỳ hiếm và do đó được xếp vào hàng những mẫu vật đắt tiền nhất. Những mẫu màu hồng này (ảnh phía trên) chỉ được tìm thấy ở vùng biển Caribbean, bên trong tù xà cừ nữ hoàng. Mặc dù ốc xà cừ có nhiều trong khu vực này, nhưng chỉ có 1 trong 10.000 đến 1 trong 15.000 cơ hội tìm thấy một viên ngọc trai ốc xà cừ bên trong; và chỉ 10% trong số đó là đá quý. Ngọc trai xà cừ có các màu trắng, hồng, đỏ và nâu, nhưng màu hồng bong bóng và hồng đậm là được săn lùng nhiều nhất.
Ngọc trai ốc xà cừ có cấu trúc ngọn lửa đặc trưng trên bề mặt, trông giống như những đường gợn sóng mờ nhạt của ngọn lửa bập bùng; chúng mịn, sáng bóng, và đôi khi còn được so sánh với sứ. Jeweler Cicada đã dùng alexandrite để bao bọc một viên ngọc trai ốc xà cừ gần 4 carat trong chiếc nhẫn cocktail này. Giá trị: $74,000 (1.7 tỷ đồng)

Star Sapphire (Sapphire Sao) — Sri Lanka
Một số loại đá quý nhất định, bao gồm cả ngọc bích, mang một hiện tượng gọi là “khoảnh sao”, khi ánh sáng chiếu vào đá theo đúng góc, sẽ có một hình ngôi sao xuất hiện trên viên đá. Mặc dù ngọc bích hình sao khá phổ biến trong những năm 1940 và 50, chúng không còn được biết đến nhiều nữa. Tuy vậy, loại đá này vẫn được các nhà sưu tập am hiểu mong muốn sở hữu.
Những viên ngọc bích quý hiếm này được tìm thấy ở Sri Lanka và Madagascar, nhưng vẻ đẹp của ngôi sao quan trọng hơn nguồn gốc xuất xứ. Ở những mẫu vật tốt nhất, một ngôi sao rõ ràng, sắc nét xuất hiện ở trung tâm của viên ngọc cabochon hình vòm. Những viên đá này có các dải thể vùi hình lá kim đan chéo nhau ở trung tâm, khiến ánh sáng phản xạ và tạo ra ảo giác bên trong.
Chất lượng của ngôi sao phụ thuộc vào một số yếu tố. Như Tom Heyman của Oscar Heyman giải thích: “Những viên ngọc bích hình sao đẹp nhất thể hiện tính “khoảnh sao” với sáu chân thẳng, cách đều nhau bắt chéo ở tâm của viên đá. Một nhà sưu tập sẽ tìm kiếm một viên đá có chân chính dọc theo trục dài của viên đá ”.
Khoảnh sao có thể xuất hiện ở tất cả các màu ngọc bích, nhưng ngọc bích màu xanh được coi là chất lượng hàng đầu. Chiếc nhẫn của Oscar Heyman này có một viên sapphire sao xanh dương 5,04 carat được bao quanh bởi những viên kim cương hình bầu dục. Giá trị: 70.000 đô la (1.6 tỷ đồng)

Opal đen — Úc
Địa chất độc đáo của Úc đã góp phần tạo ra 95% đá opal trên thế giới và một số loại chỉ có thể được tìm thấy trên lục địa này. Opal đen của Úc là loại nổi tiếng và được đánh giá cao nhất. Trái với tên gọi của nó, opal đen là một loại đá có nhiều màu sắc phong phú và rực rỡ — thường là các sắc xanh lục hoặc xanh lam — lóe sáng trên bề mặt đá tối.
Những viên opal nổi tiếng, được đánh giá cao nhất này chỉ được tìm thấy ở ba thị trấn nhỏ — nổi tiếng nhất là Lightning Ridge ở New South Wales. Đôi hoa tai trang sức cao cấp này của Chopard có hai viên đá opal đen Lightning Ridge đặt trong những bông hoa đang hé nở được đính hoàn toàn bằng đá quý màu xanh lam và xanh lá cây, làm nổi bật màu sắc của opal, bao gồm sapphire hồng và xanh lam, ngọc hồng lựu, tsavorite , ngọc lục bảo và kim cương.

Nguồn: Bloomberg