1% tinh hoa giới thượng lưu không mấy quan tâm đến các mặt hàng xa xỉ, nhưng họ thực sự rất sợ cái chết.
Bạn có từng dành một phút để suy nghĩ về cuộc sống của những người đã có đầy đủ hoặc thậm chí là thừa thãi vật chất? Hãy thử tưởng tượng cuộc sống của mình với những tủ quần áo thời trang xa xỉ và hợp mốt, những khu biệt thự triệu đô được trang bị những công nghệ giải trí cao cấp nhất, một garage tràn ngập ô tô hạng sang. Nghe thì có vẻ hay ho, nhưng lối sống đó lại khiến họ và những người xung quanh phải đối mặt với một câu hỏi gần như không có đáp án: Bạn có thể tặng gì cho một người có tất cả mọi thứ?
Mối quan hệ giữa các thành viên trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động có thể bị mài mòn bởi những mối quan tâm trần tục như đảm bảo con cái có thể học đại học, hay mua xe hơi có thể giúp việc đi làm thuận tiện hơn. Nhưng nếu càng giàu, bạn càng có nhiều khả năng thỏa mãn những sở thích cá nhân, đôi lúc rất khó hiểu của mình, dù là bỏ hàng đống tiền để sưu tập rượu Scotch, hay chăm sóc những con vật nuôi nhập ngoại. Do đó, chọn lựa một món quà sao cho phù hợp với những mong muốn bình dị của một người giàu là một chuyện gần như bất khả thi, nhưng không phải là không thể.

“Có nhiều giai đoạn phát triển khác nhau trong một thế giới có giá trị vật chất cao”, Winston Chesterfield, người sáng lập hãng Barton Consulting, cung cấp dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp cho các công ty quảng bá các loại hàng hóa xa xỉ cho những người giàu có. Những người chưa quen với sự giàu có thường có xu hướng phô trương tiền bạc của mình, Winston cho hay: “Dù bạn ở Mỹ hay Ukraine thì bạn cũng sẽ muốn thể hiện là mình giàu có, bạn muốn chứng tỏ sự giàu có của bạn với các thành viên trong gia đình, với những bạn của gia đình, thậm chí là với chính mình. Bạn vô cùng muốn chứng minh sự giàu có của mình.” Vì thế nên bạn tặng đồng hồ và trang sức cho vợ hay chồng của mình, xe hơi đời mới cho con trai, Travis Scott tặng Kylie Jenner một chiếc vòng cổ kim cương được khắc theo logo của công ty Jenner.
Nhưng những người đã quen với sự rủng rỉnh tiền bạc trong một khoảng thời gian dài – vì đã sinh ra và lớn lên trong một gia đình quý tộc hoặc đã tận hưởng sự dư dả trong nhiều năm – thì lại có xu hướng mất đi sự thôi thúc chứng minh này. “Họ cảm thấy chi tiền quả thật là một rủi ro,” Chesterfield nói. “Họ trở nên hoài nghi hơn xưa và tập trung vào giá trị đồng tiền hơn xưa.” Kiểu người giàu này có thể rất hào phóng khi làm từ thiện, họ có thể ngay lập tức mua một món quà cho một thành viên trong gia đình bất cứ khi nào được hỏi, nhưng họ sẽ không vung tay mua xe Range Rovers với ruy băng trang trí cho con mình vào mùa Giáng Sinh. “Những con người trị giá hàng trăm triệu không tặng những hộp Louis Vuitton và Chanel phủ kín sàn nhà đâu,” Chesterfield nói. “Đó không phải là chuyện họ thực sự muốn làm.”

Nói cách khác, bạn có thể ném cả tháng lương của mình vào một chiếc túi xách đắt tiền dành tặng một người bạn giàu có và cuồng nhiệt với thời trang chỉ để gây ấn tượng với họ, và việc đó chỉ càng chứng tỏ rằng bạn không hiểu rõ tặng gì cho giới thượng lưu mới là phù hợp. Trong một bài báo của tạp chí Tatler nổi tiếng của Anh vào năm 2018, nhiều người giàu cho biết đó họ thực sự suy nghĩ đến chuyện dành sự chú ý và thời gian cho bạn bè của mình chứ không chỉ là tiền, mặc dù họ cũng sẽ vô cùng tự nhiên chi tiêu rất nhiều tiền cho việc tặng quà:
Không có món quà nào đặc biệt hơn sự trải nghiệm: những hoạt động mà các bạn có thể làm cùng nhau, chẳng hạn như chiêu đãi một cuộc hành trình xuyên Đại Tây Dương trên tàu Queen Mary 2 cho một người bạn yêu quý nhưng mắc chứng sợ máy bay, hoặc một khóa học yêu thích với huấn luyện viên cá nhân tại Lanesborough. Thậm chí, bạn còn có thể tổ chức ngày sinh nhật lần thứ 50 của một người bạn bằng cách cho cô ấy tận hưởng 50 trải nghiệm khác nhau trong 50 ngày trước đó. Rồi khi sinh nhật của bạn đến, cô ấy sẽ nhớ đến câu chuyện thời thiếu niên mà bạn từng kể về sự hâm mộ của mình dành cho một đầu bếp trong chương trình Ready Steady Cook. Cô ấy sẽ thuê vị đầu bếp đó để chuẩn bị một bữa ăn tối tại Connaught với sáu người bạn thân nhất của mình cùng với bạn.

Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi chuyên mục hướng dẫn quà tặng năm nay từ Robb Report, một ấn phẩm sang trọng chứa nhiều thông tin về các món đồ xa xỉ và máy bay phản lực tư nhân, nhấn mạnh đến sự trải nghiệm. Danh sách mà ấn phẩm này kể ra gồm có các bài học cưỡi ngựa từ vận động viên cưỡi ngựa vượt chướng ngại vật nổi tiếng Jessica Springsteen, một chuyến đi đến nước Pháp để chế tạo rượu Cognac của riêng bạn, và một dịch vụ đăng ký bữa ăn có thực đơn bao gồm nấm cục, trứng cá muối, heo sữa, cá và hải sản tươi sống – với mức giá 49.000 USD mỗi năm, cứ mỗi quý giao hàng một lần và đủ để chế biến khẩu phần cho 15 đến 20 người.
Đó là kiểu trao đổi quà tặng những người giàu thuộc tầng lớp 0,01%. Giảm đi vài nấc, những người giàu thuộc tầng lớp 1% có thể cân nhắc mua cho bạn bè mình một dịch vụ “chỉnh sửa tủ quần áo” từ Bree Jacoby. Một chuyên gia tạo mẫu cá nhân sang trọng đến nhà bạn và ngắm nghía tủ quần áo của bạn với giá chỉ 1.000 USD. “Mọi người đều cần chỉnh sửa lại tủ quần áo của và mọi người đều ghét việc đó “, Jacoby cho biết khách hàng của cô chi ít nhất 10.000 USD một năm dành cho quần áo. “Trải nghiệm là vô giá. Bạn không mua quần áo, bạn sẽ thực sự nhận được những lời khuyên chân thành về những thứ bạn có, những thứ bạn cần. Chúng tôi sẽ loại bỏ những thứ còn lại.”
Nhưng sức hấp dẫn thực sự của những món quà trải nghiệm nằm ở chỗ chúng cho người nhận cơ hội tận hưởng thời gian một cách hữu ích và thoải mái nhất, đó cũng chính là thứ mà tiền không thể mua được. “Họ ý thức rất rõ là thời gian của mình sắp hết”, Chesterfield nói về những người giàu. “Họ ý thức được một điều rất thực tế, rằng họ không có thời gian vô hạn trên Trái Đất này.”

Đó không chỉ là nỗi sợ về cái chết, mà còn là nỗi sợ về sự suy tàn, Chesterfield lưu ý thêm. Vài người giàu có thể đã ăn uống và dùng thuốc quá mức ở độ tuổi thanh xuân và giờ thì họ bắt đầu lo lắng những hậu quả về lâu về dài. Có lẽ họ đã dành nhiều giờ liền tắm nắng trên boong du thuyền và lúc này đang suy ngẫm về căn bệnh ung thư da. Những người khác có thể lo lắng về chứng mất trí nhớ. Giống như chúng ta, những người giàu cũng bị ám ảnh bởi sức khỏe – họ có thể vung hàng ngàn đô la tại Hội nghị thượng đỉnh Goop của Gwyneth Paltrow (Gwyneth Paltrow’s Goop Summit) mà vé cho một ngày rẻ nhất là 1,300 USD, hoặc di chuyển đến các khu nghỉ dưỡng spa rộng mênh mông như Soneva Kiri ở Thái Lan hay Alpina Gstaad của Thụy Sĩ. Theo Chesterfield, khách du lịch quốc tế chi khoảng 21 tỷ đô la cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe bên ngoài khách sạn, trong đó 9,6 tỷ đô la thuộc về những người nắm giữ khối lượng tài sản khủng. “Đây là những thứ họ quan tâm,” ông nói. “Họ tham gia vào tất cả các hoạt động, họ tham gia các khóa yoga. Họ sẽ chi tiền để làm những việc này vì họ tin rằng nó sẽ giúp họ có sức khỏe và dẻo dai hơn.”
Thế nhưng, điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không đủ khả năng để mua kem dưỡng da chống lão hóa cao cấp, hoặc một bộ trang sức đắt tiền, hoặc dịch vụ chỉnh sửa tủ quần áo, nhưng lại có một người bạn thuộc top 1% thượng lưu? Bạn cần mua gì thì phù hợp? Chesterfield tặng bạn một gợi ý đơn giản: một cuốn sách.
“Có một thứ mà những người giàu sẽ không bao giờ có đủ, kiến thức”, ông nói. “Họ sẽ không bao giờ có thể dự đoán hết mọi việc. Họ sẽ không bao giờ có thể giành được hết mọi thứ.” Hơn hầu hết tất cả những người khác, họ có nhiều thời gian để đọc và nhiều thời gian để xem xét các ý tưởng chính trị, khoa học và triết học. “Miễn là cuốn sách đó không phán xét cách sống của họ, họ sẽ coi trọng cuốn sách đó và họ sẽ thấy đó là một món quà thông minh”, Chesterfield nói. “Họ sẽ nói với bạn, tôi thực sự cảm kích, đây là một món quà rất chu đáo. Tôi thực sự, thực sự rất thích đọc cuốn sách này.”
Nguồn: Vice