l2

Cuộc Đời Đầy Thăng Trầm Của “Bố Già Làng Công Nghệ” Larry Ellison

Larry Ellison là người đã đưa Oracle từ một công ty nho nhỏ trở thành gã khổng lồ trong lĩnh vực phần mềm quản trị, và là CEO tại vị lâu nhất ở Thung lũng Silicon.

Không chỉ đơn thuần là một tỷ phú, Larry Ellison còn là một tay chơi thú vị bậc nhất ở thung lũng Silicon. Từ những cuộc đua thuyền buồm trên đại dương, cho đến thương vụ mua nguyên cả một hòn đảo Hawaii chỉ để “chọc ghẹo” đối thủ cạnh tranh, Larry Ellison luôn biết cách để khiến mọi người bất ngờ và ngưỡng mộ.

Cuộc đời và sự nghiệp của Larry Ellison là minh chứng hùng hồn cho những câu chuyện đi lên từ hai bàn tay trắng. Trong bài viết này, hãy điểm lại những mốc son đáng nhớ trong cuộc đời và sự nghiệp của vị tỷ phú lắm tài nhiều tật này nhé.

Theo thống kê của Forbes, giá trị tài sản ròng của Ellison rơi vào khoảng 68,4 tỷ USD, giúp ông lọt vào top 10 người giàu nhất thế giới.

Lawrence Joseph Ellison sinh ngày 17/8/1944 tại khu Bronx, thuộc thành phố New York, Hoa Kỳ. Ông là con trai duy nhất kiêm “kết quả” của mối tình bất đắc dĩ giữa bà Florence Spellman và một người đàn ông chưa rõ danh tính.

Larry Ellison mắc chứng viêm phổi từ lúc mới chín tháng tuổi, và mẹ ông phải gửi con trai mình tới Chicago để tiện cho việc chữa trị. Tại đây, ông sống cùng cậu và dì ruột của mình là ông bà Louis và Lillian Ellison và họ đã nhận ông làm con nuôi.

Louis Ellison, người cậu, đồng thời cũng là cha nuôi của Larry Ellison, là một người nhập cư gốc Nga. Vị cha nuôi này chọn Ellison làm họ của mình để tưởng nhớ nơi đầu tiên khi ông đặt chân vào nước Mỹ: Ellis Island.

Larry Ellison từng theo học một trường trung học ở Chicago dành cho tầng lớp trung lưu trước khi thi đậu vào trường đại học Illinois tại Urbana-Champaign.

Ellison rời khỏi Đại học Illinois khi đang học năm thứ 2, không làm bài thi cuối kỳ vì mẹ nuôi của ông qua đời. Một thời gian sau, Larry Ellison cố gắng quay trở lại trường Đại học Chicago để tiếp tục sự nghiệp học hành, nhưng lại bỏ ngang chỉ sau 1 học kỳ. Tuy nhiên, ở Đại học Chicago, ông đã được tiếp cận với chương trình thiết kế máy tính lần đầu tiên. 

Đại học Chicago. Ảnh sưu tầm

Năm 1966, chàng thanh niên Ellison 22 tuổi chuyển tới khu Berkeley, California, ngay cạnh thung lũng Silicon – lúc bấy giờ đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ thông tin.

Ellison đi từ Chicago đến California bằng một chiếc xe Thunderbird màu ngọc lam đầy hào nhoáng vì ông kỳ vọng chuyến đi này sẽ là một bước tiến mới trong cuộc sống của mình.

Chuyển đến California, Larry Ellison chẳng hề ổn định mà thay đổi công việc liên tục. Ông nhảy việc tới tấp, từ Quỹ Bảo Hiểm Fireman’s Fund đến Ngân hàng Wells Fargo hay Tập đoàn Máy tính Amdahl Corporation. Trong suốt thời gian làm việc tại những công ty này, ông đã học được những kỹ năng cơ bản về máy tính và lập trình. 

Bước ngoặt cuộc đời của Ellison xuất hiện khi ông chuyển tới làm việc tại công ty điện tử Ampex. Tại đây, ông đã tham gia dự án xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin cho cơ quan tình báo Mỹ CIA, với mã dự án “Oracle”.

Năm 1977, Ellison cùng các đồng nghiệp là Bob Miner và Ed Oates nghỉ việc ở Ampex để thành lập một công ty startup phát triển phần mềm mang tên Software Development Laboratories – tiền thân của tập đoàn Oracle ngày nay. Ban đầu, công ty hoạt động với số vốn 2.000 USD, trong đó có 1.200 USD là tiền túi của Larry Ellison, chiếm 60% cổ phần công ty.

Các nhà đồng sáng lập Oracle

Hướng đi của công ty chịu ảnh hưởng bởi học thuyết của Edgar F.Codd – nhà khoa học máy tính nổi danh thuộc IBM. Học thuyết của Edgar F.Codd tập trung vào “các mối quan hệ trong các cơ sở dữ liệu”. Đó là cách mà các hệ thống máy tính lưu trữ và truy cập thông tin hết sức quen thuộc mà chúng ta hiện đang sử dụng hàng ngày, nhưng vào thời điểm thập niên 70 thì đây là một học thuyết mang tính cách mạng lớn trong ngành công nghệ.

Vào năm 1979, công ty được đổi tên thành Ralational Software. Khi đó, công ty của Ellison chỉ có 8 nhân viên tính cả ông và 2 người bạn. Doanh thu thì chẳng đến 1 triệu USD/năm.

Larry Ellison trả lời câu hỏi báo chí khi ngồi giữa Marc Andreesen, đồng sáng lập Netscape, và Jan-Pieter Scheerder, chủ tịch Sun Soft, tại buổi họp báo ra mắt sản phẩm ở San Francisco, ngày 20/5/1996. Ảnh sưu tầm

Do nhiều yếu tố khách quan, Ellison bỏ qua Oracle 1 để tạo ra Oracle 2, phiên bản đầu tiên của hệ thống xử lý cơ sở dữ liệu. Năm 1982, công ty đổi tên thành Oracle Systems Corporation, dựa trên sản phẩm chủ đạo Oracle 2 của mình.

Larry Ellison diễn thuyết trong hội nghị Oracle Open World 2014 vào ngày 28 tháng 9 năm 2014 tại San Francisco, California. Ảnh sưu tầm

Là một trong những công ty chủ lực đi đầu trong lĩnh vực công nghệ máy tính, Oracle đã phát triển cực kì nhanh chóng và khẳng định vị thế số 1 của mình. Năm 1986, Oracle phát hành cổ phiếu lần đầu, đưa doanh thu của công ty đạt mốc 55 triệu USD.

Tuy nhiên con đường thành công của Larry Ellison không chỉ có thảm đỏ và hoa hồng. Năm 1990, Oracle rơi vào khủng hoảng vì một nguyên nhân được Larry Ellison mô tả là “sai lầm nghiêm trọng trong kinh doanh”. Oracle tiến hành một chiến dịch kinh doanh, theo đó các nhân viên kinh doanh được phép thúc giục các khách hàng tiềm năng đặt mua trước càng nhiều số lượng phần mềm cùng một lúc càng tốt. Và những nhân viên kinh doanh này đã tính số lượng đơn đặt hàng trước trong tương lai vào doanh thu của quý hiện tại, nhằm tăng tiền thưởng của họ. Điều đó tạo ra những doanh thu ảo, khiến cho toàn bộ số liệu kinh doanh bị sai lệch một cách trầm trọng so với báo cáo. Điều này đã dẫn tới hàng loạt vụ kiện tụng và rắc rối với các nhà đầu tư. Tổng vốn hóa thị trường của công ty có lúc giảm đến 80%. Oracle đã phải sa thải khoảng 10% lượng nhân viên, tương đương 400 người để cứu vãn tình thế.

Larry Ellison cùng các cộng sự gắng vượt qua khó khăn và sửa chữa lỗi lầm của mình. Tuy nhiên vào lúc này thì tình cảnh của Oracle khá “thê thảm”, và gần như đã phải tuyên bố phá sản. Các đối thủ cạnh tranh mới trỗi dậy như Sybase và Informix thì đang chiếm gần hết thị phần béo bở của Oracle.

Khó khăn kéo dài thêm một vài năm và tưởng như đó sẽ là dấu chấm hết cho Oracle, thì Larry Ellison đã tiến hành một cuộc “thay máu” mạnh mẽ và toàn diện. Phần lớn các nhân viên cao cấp ban đầu được thay bằng các nhà quản lý có kinh nghiệm hơn. Một phiên bản mới của cơ sở dữ liệu Oracle 7 phát hành vào năm 1992, đã “càn quét” thị trường phần mềm quản trị. Chỉ 2 năm, cổ phiếu của công ty đã tăng trở lại.

Ellison vốn nổi tiếng với tính khí ngông cuồng mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được cái đầu “lạnh” của mình. Ông sẵn sàng nhục mạ không tiếc lời và thậm chí kiện tụng với các đối thủ của mình. Cuộc chiến “đấu khẩu” dữ dội giữa CEO Phil White của Informix và Ellison đã thu hút được sự quan tâm của độc giả ở Thung Lũng Silicon trong ba năm liên tiếp.

Cuối cùng, đến năm 1997, Oracle đánh bại Informix và trở thành “gã khổng lồ” trong làng công nghệ. Là cổ đông chính của Oracle, túi tiền của Ellison ngày một dày thêm. Ông bắt đầu nổi tiếng vì những thú chơi xa xỉ đắt tiền của mình – mà nổi tiếng nhất là lần tham dự cuộc đua thuyền buồm trên biển vào năm 1995.

Ông cũng tài trợ cho đội đua thuyền Oracle USA, đội vô địch America’s Cup năm 2010.

Bên cạnh đó, Larry Ellison còn nổi tiếng với khả năng lật ngược tình thế một cách ngoạn mục của mình. Vào năm 1999, Ellison tưởng như sẽ đón nhận một mất mát lớn khi “đệ tử ruột” Marc Benioff quyết định rời khỏi Oracle và thành lập một startup riêng có tên Salesforce. Ellison đã nhanh chóng đầu tư lớn vào Salesforce cùng khoản tiền lên đến 2 triệu đô la Mỹ.

Khi Benioff phát hiện ra Larry đang phát triển sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với Salesforce, ông đã cố gắng thuyết phục Larry rời bỏ hội đồng quản trị của công ty. Nhưng Ellison không dễ dàng từ bỏ, và ông đã buộc Benioff phải sa thải mình, đồng nghĩa với việc Larry vẫn giữ cổ phần của mình trong Salesforce.

CEO Salesforce – Marc Benioff. Ảnh sưu tầm.

Giờ đây, khi thị phần của Salesforce phát triển mạnh mẽ với ước tính tổng giá trị lên tới 40 tỷ đô la Mỹ, thì Larry Ellison càng thu về được nhiều lợi nhuận cho riêng mình. Chính cách thức “kiếm tiền từ đối thủ của mình” này khiến Larry Ellison không chỉ nổi tiếng về tầm nhìn chiến lược, mà còn về cá tính mạnh mẽ của ông. Điều này khiến nhiều người nể phục, và cũng nhiều người “căm ghét” vị CEO của Oracle. Mối quan hệ giữa Larry Ellison và Marc Benioff cũng đổ vỡ kể từ lúc đó.

Một trong những nguyên nhân nữa giúp Ellison và Oracle làm ăn phát đạt là bong bóng dot-com. Tên miền dot-com (.com) bùng nổ vào cuối những năm 1990 đem lại lợi nhuận khổng lồ cho Oracle vì hầu hết các công ty dot-com mới đều cần hệ thống cơ sở dữ liệu, vốn chính là điểm mạnh của Oracle.

Khi Steve Jobs trở lại Apple vào năm 1997, ông đã mời Larry Ellison vào ban hội đồng quản trị vì mối quan hệ bạn bè thân thiết giữa hai người. Từ 1997 đến 2002 Larry Ellison vừa là CEO của Oracle, vừa là giám đốc của Apple Computer. Tuy nhiên, sau 5 năm làm việc cho Apple, Larry Ellison đã xin thôi giữ chức vụ giám đốc với lý do ông không có đủ thời gian cho các cuộc họp hội đồng quản trị ở cả hai công ty.

Với nguồn tài lực khổng lồ, Ellison chuyển hướng sang các mảng kinh doanh tiềm năng khác ngay trước khi cơn sốt tên miền dot-com hạ nhiệt. Chẳng hạn như vào năm 2004, Oracle thâu tóm PeopleSoft – công ty cung cấp phần mềm quản lý nhân lực với giá 10,3 tỉ USD.

Năm 2010, Oracle mua Sun Microsystems – một công ty máy chủ khởi nghiệp cùng năm 1982 với Oracle. Thương vụ thâu tóm này đem lại cho Oracle rất nhiều công nghệ quan trọng, bao gồm cả quyền kiểm soát cơ sở dữ liệu MySQL phổ biến.

Kể từ năm 2010, tỉ phú Larry Ellison bắt đầu rút lui khỏi sân chơi của thế giới công nghệ. Ông giao lại quyền điều hành cho những nhân viên tâm phúc của mình như Mark Hurd và Safra Catz,…

Các CEO của Oracle – Mark Hurd và Safra Catz

…để tập trung hưởng thụ một cuộc sống xa xỉ. Năm 2012, Larry đã mạnh tay chi 300 triệu USD để mua lại 98% quyền sở hữu đảo Lanai, hòn đảo lớn thứ 6 của quần đảo Hawaii.

Khu nghỉ dưỡng Four Seasons trên đảo Lanai

Larry chi ít nhất nửa tỉ đô la Mỹ để xây dựng một cơ sở thí nghiệm về sức khỏe thể chất và tinh thần trên đảo Lanai, với mục tiêu tạo ra một nền tảng sức khỏe không tưởng dựa bằng việc quản lý dữ liệu. Ông đặt tên công ty chăm sóc sức khỏe trên đảo là Sensei, và tin tưởng nhờ sự hỗ trợ của năng lượng sạch, start up này có thể trở thành một hình mẫu toàn cầu.

Ellison cũng mua hãng bay giá rẻ của Hawai là Island Air vào năm 2014, trước khi bán phần lớn cổ phần vào hai năm sau đó do hãng bay này gặp khó khăn về tài chính.

Ellison cũng đầu tư vào công ty sáng tạo nền tảng giáo dục Leapfrog Enterprises.

Dù là một nhà đầu tư mát tay, không phải tất cả các start-up mà Ellison đầu tư đều gặt hái được quả ngọt: ông từng đầu tư vào Theranos, một công ty khởi nghiệp thử nghiệm máu đã đóng cửa vào năm 2018, sau khi người sáng lập Elizabeth Holmes bị FBI buộc tội lừa đảo.

Nhà sáng lập Elizabeth Holmes của Theranos

Ngoài hòn đảo Lanai, Ellison còn sở hữu các bất động sản khác như tòa biệt thự Astor Beechwood ở Newport, Đảo Rhode…

…ngôi nhà trị giá 38 triệu USD ở Malibu, California…

…và một căn biệt thự khác ở Woodside, California. Ông cũng có một ngôi nhà nữa ở Rancho Mirage, California.

Larry Ellison cũng là chủ sở hữu giải đấu tennis Indian Wells.

Thói quen tiêu pha của Ellison kinh khủng đến nỗi kế toán riêng của ông là Philip Simon phải yêu cầu ông “lập ngân sách và kế hoạch” chi tiêu vào năm 2002.

Không chỉ gặp nhiều trắc trở trong công việc, Larry Ellison cũng lận đận trong đường tình duyên, khi ông kết hôn rồi ly dị tới 4 lần. Vì sở hữu khối tài sản cực khủng, ông bị gán hình ảnh tay chơi giàu xổi tầm cỡ quốc tế. Hiện tại báo chí đưa tin ông đang hẹn hò với người mẫu/diễn viên Nikita Kahn.

Ellison có hai người con. Megan, con gái ông là nhà sản xuất phim từng được đề cử giải Oscar với các tác phẩm Zero Dark Thirty và American Hustle.

Con trai David của Ellison cũng công tác trong lĩnh vực điện ảnh, các bộ phim danh tiếng anh từng tham gia sản xuất có thể kể đến ‘Kẻ hủy diệt’ và ‘Nhiệm vụ bất khả thi’.

Để tới năm 2014, Ellison chính thức nhường chức giám đốc điều hành tập đoàn Oracle cho Hurd và Katz. Tại thời điểm này, ông đang là tỷ phú giàu đứng thứ 5 trên thế giới.

Năm 2016, Ellison thực hiện một vụ thu hoạch đầu tư cá nhân ngoạn mục: Với 125 triệu đô la đầu tư vào công ty khởi nghiệp cung cấp dịch vụ phần mềm điện toán đám mây NetSuite của cựu lãnh đạo Oracle, Evan Goldberg, từ năm 1998…

Evan Goldberg và Larry Ellison

…Larry Ellison đã thu về 3,5 tỷ USD khi Giám đốc điều hành NetSuite Zach Nelson đã thành công thuyết phục được Ban quản trị Oracle đồng ý mua lại NetSuite, trong một thương vụ có giá trị 9,3 tỷ USD vào năm 2016.

CEO NetSuite – Zach Nelson

Oracle đang chậm chân trong quá trình chuyển đổi từ cơ sở dữ liệu hỗ trợ công nghệ “http” trực tuyến sang dịch vụ đám mây, khiến Larry Ellison thường xuyên lên tiếng chỉ trích ông lớn Amazon Web Services một cách bừa bãi.

Bên cạnh Oracle, Ellison cũng có rất nhiều công việc khác. Ông gia nhập ban giám đốc của Tesla vào ngày 28/12/2018, nơi ông cũng là một nhà đầu tư chủ chốt. Đầu năm 2018, Ellison từng mô tả CEO của Tesla, Elon Musk, là một “người bạn thân thiết” của mình và bảo vệ Musk khỏi những lời chỉ trích của giới báo chí.

Ellison cũng là một nhà từ thiện nổi tiếng. Tháng 05/2016, Ellison đã tặng 200 triệu USD cho một trung tâm điều trị ung thư cho Viện Đại học Nam California.

Viện Đại học Nam California

Năm 2010, Larry Ellison là vị tỷ phú thứ 128 đặt bút ký vào cam kết The Giving Pledge. Đây là một phong trào được Bill Gates và Warren Buffett khởi xướng nhằm khuyến khích những người giàu có nhất nước Mỹ, cam kết quyên góp phần lớn tài sản của họ cho các hoạt động từ thiện.

Bill Gates và Warren Buffett. Ảnh sưu tầm.

Tuy không còn điều hành công ty, nhưng Larry Ellison vẫn là chủ tịch kiêm CTO của Oracle.

Có thể Larry Ellison không còn là người đứng đầu của Oracle, nhưng ông vẫn là hình ảnh của công ty, đã từng cầm lái giúp công ty vượt qua những khó khăn gian khổ. Và phần còn lại, như người ta thường nói, là lịch sử.

Nguồn: Business Insider

Share this post

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Tin Mới Nhất