Vài năm gần đây, thị trường đấu giá luôn tràn ngập các kỷ lục gây sốc. Nhưng trong năm 2019, những tin tức khiến ai nấy đều “tròn miệng trợn mắt” này lại không chỉ xảy ra trong các cuộc đấu giá thực. Tin tức gây âm vang lớn nhất có lẽ là sàn đấu giá Sotheby’s đã có vòng đấu cuối cùng với tư cách một công ty đại chúng, trước khi chuyển sang dạng công ty tư nhân do Patrick Drahi – ông trùm truyền thông gốc Pháp, làm chủ.
Danh sách dưới đây của chúng tôi gồm 10 tác phẩm nghệ thuật đắt giá nhất được bán trong năm 2019. Các tác phẩm này được bán độc quyền tại sàn đấu giá Christie’s và Sotheby’s, và hầu hết là từ phòng bán ở New York. Việc Sotheby’s về tay tỉ phú Patrick Drahi sẽ giúp nhà đấu giá này có được vị thế tốt hơn để cạnh tranh với Christie’s – vốn đã là một nhà đấu tư nhân.
Trong số các tác phẩm đắt giá nhất được bán vào năm 2019 có một số lượng đáng kể là các bức vẽ được sáng tác sau năm 1960, cho thấy một thị trường mạnh mẽ cho nghệ thuật đương đại. Cũng giống như năm 2018, tất cả tác phẩm đều do các nam danh họa sáng tác. Năm 2019 này còn chứng kiến một vài kỷ lục do các tác giả đương thời thiết lập. Trong số đó có KAWS – ngôi sao lớn của thị trường hiện nay, nghệ sĩ đã dựng nên kỷ lục cho chính mình tại sàn đấu Sotheby’s Hồng Kông với mức giá gây choáng: 14.8 triệu đô, tương đương khoảng 340 tỉ đồng. Cùng với đó, sự kiện gây kinh ngạc không kém là nghệ sĩ Banksy cũng tạo nên thời kỳ sung mãn nhất với tác phẩm Devolved Parliament (2009), được bán vào mùa thu tại Luân Đôn với mức giá 12.2 triệu đô, tức khoảng 280 tỉ đồng.
Vậy nhưng, những mức giá trên mới chỉ là con số “bé như củ khoai tây” so với 10 tác phẩm đắt giá nhất được đấu giá trong năm 2019.
Claude Monet, Meules, 1890 ($110,747,000 ~ 2,547 tỉ đồng)
Đấu giá tại Sotheby’s New York, ngày 14/5/2019

Tác phẩm này đến từ seri Haystacks của họa sĩ lừng danh người Pháp. Và nó không chỉ là kỷ lục cá nhân cho Claude Monet, mà còn thiết lập kỷ lục cho bất kỳ tác phẩm trường phái Ấn Tượng nào từng được bán đấu giá. Kiệt tác này đã đạt mức giá gần gấp đôi giá ước tính 55 triệu đô (1.2 tỉ đồng) của nó. Những con số này phản ánh một sự thay đổi đáng kể trong thị trường nghệ thuật trong 30 năm qua: Lần cuối cùng bức tranh này được bán đấu giá là vào năm 1986, với giá 2,5 triệu đô la. Trước khi bán, Meules thuộc về bộ sưu tập tư nhân của nhà sưu tập nghệ thuật Ấn Tượng nổi tiếng Bertha Honoré Palmer, mua trực tiếp từ Paul Durand-Ruel, một bậc thầy về trường phái Ấn Tượng, ngay trong thập kỷ mà bức họa này được tạo ra.
Ông Julian Dawes, Phó chủ tịch cấp cao của Sotheby, phó giám đốc bộ phận của trường phái Ấn Tượng và Nghệ thuật Hiện đại ở New York, đã nói về tác phẩm: “Chúng tôi hiếm khi thấy các tác phẩm có tầm cỡ phi thường và biểu tượng to lớn như vậy xuất hiện trên thị trường, và vì sự hiếm có đó, chúng tôi đã thấy sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sưu tập vì bức tranh đặc biệt này.”
So với các tác phẩm khác cùng trong seri “Haystacks” của Monet – những bức vẽ được thực hiện chỉ trong một khung cửa sổ nhỏ vào cuối những năm 1880 đến đầu thập niên 90, Meules nổi bật với những chùm màu sắc rực rỡ, tái hiện cảnh hoàng hôn ở làng Giverny, miền Bắc nước Pháp.
Jeff Koons, Rabbit, 1986 ($91,075,000 ~2,094 tỉ đồng)
Đấu giá tại Christie’s New York, ngày 15/5/2019

Trong khi năm 2018 chứng kiến sự kiện David Hockney trở thành nghệ sĩ đương đại sở hữu tác phẩm đắt giá nhất được bán đấu giá, thì đến tháng 5 năm 2019, thế giới lại một lần nữa choáng ngợp khi biết rằng Jeff Koons đã lấy lại danh hiệu này bằng tác phẩm Rabbit (1986) với giá 91.1 triệu đô, tại Christie’s New York. Đây là tác phẩm từng thuộc sở hữu của ông trùm xuất bản và nhà sưu tầm quá cố S.I.Newhouse. Bức tượng Rabbit có ánh sáng rất đặc trưng và cảm giác vui tươi mà chúng ta có thể liên tưởng ngay đến nghệ sĩ Neo-Pop vốn gây nhiều tranh cãi này. Sau khi được bán, nhà phê bình của tạp chí New York Times, ông Roberta Smith đã viết một bài để bảo vệ tác phẩm đang gây nhiều tranh cãi này với tiêu đề: “Hãy dừng ghét Jeff Koons”. Bà viết: “Rabbit là một chiến binh nhỏ ngoan cường, nhưng nó cũng tiêu tan trong sự phản chiếu của chính nó – sự phản chiếu chứa đầy những ánh nhìn của chúng ta vào nó.”
Alex Rotter, chủ tịch nghệ thuật sau chiến tranh và nghệ thuật đương đại của Christie’s, cho biết nhà đấu giá này đã thực hiện thêm các biện pháp trong việc tiếp thị tác phẩm này đến các nhà sưu tầm: “Khi chúng tôi giới thiệu Rabbit đến với thị trường, chúng tôi muốn thể hiện chính xác rằng đây là một kiệt tác đương đại”, “giống như “anti-David” báo hiệu cho sự sụp đổ của điêu khắc truyền thống, Rabbit sẽ phá vỡ mọi hạn định tiêu chuẩn như cái cách mà tác phẩm Number 31 của Jackson Pollock đã tái định nghĩa khái niệm hội họa.”
Rõ ràng, cách tiếp cận đó đã có hiệu quả, khi Rabbit chỉ vừa mới vượt qua tác phẩm Portrait of an Artist của Hockney (Pool with Two Figures) (1972), đã được bán với giá 90,3 triệu đô la vào tháng 11 năm 2018.
Robert Rauschenberg, Buffalo II, 1964 ($88,805,000 ~ 2,042 tỉ đồng)
Đấu giá tại Christie’s New York, ngày 15/5/2019

Cùng trong năm 2019, nhiều nhà phê bình đã để ý rằng triển lãm Whitney 2019 bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những nghệ sĩ nổi tiếng với các tác phẩm tập hợp nhiều bản vẽ nhỏ. Tác phẩm có ý nghĩa chính trị đặc biệt này của Robert Rauschenberg được bán với một giá trị lớn. Buffalo II là tập hợp toàn bộ những biểu tượng của người Mỹ, từ một con đại bàng đầu trắng đến nhãn hiệu Coca-Cola, đến cả hình cựu Tổng thống John F. Kennedy ở giữa bức tranh, với ngón trỏ đang chỉ của ông xuất hiện hai lần. Buffalo II (1964) thể hiện sự tôn kính đối với niềm hy vọng và lòng yêu nước, gắn liền với tình hình chính trị những năm 1960, và là một minh chứng cho những rối ren và hỗn loạn của chính trị thời điểm ấy. Bức hoạt này thường xuất hiện trên các trang báo và tạp chí, đã thu hút sự chú ý của độc giả nhờ các gam màu cơ bản nhưng sáng chói. Bức tranh vải tràn đầy năng lượng, hiên ngang ở độ cao hơn 8 feet (gần 2.5m) – một bức chân dung độc đoán của một thời ở Hoa Kỳ, và thường xuyên được lãng mạn hóa cũng như bị khinh miệt.
Paul Cezanne, Bouilloire et fruits, 1888–90 ($59,295,000 ~1,363 tỉ đồng)
Đấu giá tại Christie’s New York, ngày 13/5/2019

Một trong những tác phẩm cổ xưa hơn cũng nằm trong danh sách này – Bouilloire et fruits, là bức họa đã “đi qua” ít nhất chín chủ sở hữu trong cuộc đời của nó, “du lịch” khắp châu Âu, châu Phi và Bắc Mỹ. Giống như nhiều bức vẽ hơn 100 năm tuổi khác, kiệt tác này cũng từng bị đánh cắp vào năm 1987, trong hòm của Cézanne, từ một nơi cư trú ở Stockbridge, Massachusetts. Vào thời điểm đó, bức vẽ này chỉ có giá trị 600.000 đô (13.8 tỉ), một khác biệt rất lớn so với mức giá năm 2019.
Bouilloire et fruits được chú ý nhờ sự tinh túy mang đậm chất Cézanne. Những trái cây mà ông họa nên đang “mấp mé” trên bờ vực lăn ra khỏi bàn – một ngụ ý như thách thức thể loại tranh tĩnh vật. Paul Cezanne được biết đến với sự kiên nhẫn bền bỉ, tỉ mỉ trong từng và trong mọi nét vẽ: ông đã thực hiện tác phẩm này trong suốt ba năm ròng.
Pablo Picasso, Femme Au Chien, 1962 ($54,936,000 ~1,263 tỉ đồng)
Đấu giá tại Sotheby’s New York, ngày 14/5/2019

Một trong những người yêu chó nhất lịch sử nghệ thuật chắc chắn phải gọi tên Pablo Picasso. Ông có một số tác phẩm họa hình người phụ nữ ngồi bên một chú chó. Và tác phẩm Femme Au Chien này thì có nhân vật đặc biệt – Kaboul – chú chó săn Afghan của Picasso, nhìn chằm chằm vào người xem với một sự đáng yêu “độc quyền” từ loài động vật vốn được mệnh danh “người bạn tốt nhất của con người”.
Trong Femme Au Chien, Kaboul vô cùng thu hút, làm lu mờ cả người vợ của Picasso – Jacqueline Roque. Đây là một trong sáu bức chân dung mà Picasso vẽ về “bộ đôi” này, làm nổi bật tình cảm của Roque đối với Kaboul, cũng như tình yêu của Picasso dành cho vợ và chú chó cưng. Ông cũng từng nói: “Thông thường, nếu [Kaboul] xuất hiện trong tâm trí tôi khi tôi đang làm việc, nó sẽ thay đổi những gì tôi đang làm. Mũi trên khuôn mặt tôi đang vẽ ngày càng dài và sắc nét hơn. Tóc của người phụ nữ tôi đang phác thảo dài hơn và mềm mại hơn.” Có lẽ nên có một cuộc tranh luận rằng “nàng thơ” lớn nhất trong lòng Picasso thực chất là chú chó này.
Andy Warhol, Double Elvis [Ferus Type], 1963 ($53,000,000 ~1,219 tỉ đồng
Đấu giá tại Christie’s New York, ngày 15/5/2019

Danh sách này sẽ không thể nào hoàn thiện nếu thiếu đi Warhol. Chữ Ferus Type trong tên của kiệt tác này đến từ tên của phòng trưng bày Ferus Gallery ở Los Angeles, nơi đặt bức tranh của Warhol, nhưng đã đóng cửa vào năm 1966. Ông đã sáng tạo khoảng hai chục bức chân dung “Ferus Type” của Elvis. Vào thời hoàng kim, phòng triển lãm nằm phía tây Hollywood do Irving Blum điều hành này đã trưng bày tác phẩm của các nghệ sĩ như Ed Moses, Robert Irwin và Ed Kienholz khi bắt đầu sự nghiệp. Được mệnh danh là “Trường học phong cách”, nhân viên của phòng triển lãm này đều là “những người đàn ông đẹp trai; họ là dân chơi lướt sóng, mấy người lập dị, những nghệ sĩ chăm làm và cũng “chăm” uống rượu” – theo nhận xét từ Morgan Neville, đạo diễn phim tài liệu The Cool School.
Ed Ruscha, Hurting the Word Radio #2, 1964 ($52,485,000 ~1,207 tỉ đồng)
Đấu giá tại Christie’s New York, ngày 13/11/2019

Để nói về Phòng trưng bày Ferus, thì đây chính là nơi có buổi trưng bày cá nhân của một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất của Los Angeles, Ed Ruscha (diễn ra vào năm 1963). Hơn 50 năm sau, ông trở thành một siêu sao trong lĩnh vực nghệ thuật, và năm nay, việc bán Hurting the Word Radio #2 đã phá vỡ kỷ lục đấu giá của nghệ sĩ 82 tuổi, tăng vọt so với mức kỷ lục 30,4 triệu đô la trước đây mà ông đạt được vào năm 2014 cho tác phẩm Smash, sáng tác năm 1963 (bức tranh vốn cũng được trưng bày tại Ferus Gallery).
Hurting the Word Radio #2 được nhà đấu giá Christie’s đặt để phá vỡ kỷ lục đó, bằng cách trưng bày nó ở sàn đấu tại London trong Tuần lễ Frieze. Tác phẩm được ước tính bán với giá từ 30 triệu đến 40 triệu USD, đưa kỷ lục cũ của Ruscha vào mức thấp nhất trong giá trị ước tính của nó. Trong một cuộc họp báo sau buổi đấu giá, ông Alex Rotter, Chủ tịch nghệ thuật hậu chiến và đương đại của Christie’s, đã có lời phát biểu về việc bán tác phẩm của Ruscha: “Chúng tôi muốn chứng minh rằng mình có thể bán một bức tranh trị giá hơn 50 triệu đô la trong mùa này.”
Francis Bacon, Study for a Head, 1952 ($50,380,000 ~1,160 tỉ đồng)
Đấu giá tại Sotheby’s New York, ngày 16/5/2019

Francis Bacon đã “làm méo mó” tác phẩm kinh điển Portrait of Pope Innocent X (sáng tác năm 1650) của Diego Velázquez để tạo thành seri “Screaming Popes”, với những bức chân dung Giáo hoàng vô cùng nghịch mắt. “Study for a Head” cho thấy nét mặt linh thiêng từ một góc độ gần hơn rất nhiều so với góc toàn thân truyền thống được thể hiện trong bức họa của Velázquez. Bức họa này đã lập kỷ lục cho các tác phẩm trong seri “Screaming Popes”, vượt qua kỷ lục trước đó là 29,7 triệu đô la cho tác phẩm Untitled (Pope) (1954), đạt được vào năm 2012. Study for a Head được bán từ bộ sưu tập của Richard E. Lang và Jane Lang Davis, mặc dù ban đầu người mua nó vào năm 1952 (cũng là năm ra đời của tác phẩm này) là Bernard H. Friedman – người đã viết tiểu sử cho Jackson Pollock. Chỉ riêng năm 1952, Bacon đã thực hiện sáu bức chân dung và năm bức còn lại hiện do Tate Britain và Trung tâm nghệ thuật Yale của Anh nắm giữ.
Mark Rothko, Untitled, 1960 ($50,095,250 ~ 1,152 tỉ đồng)
Đấu giá tại Sotheby’s New York, ngày 16/5/2019

Vào đầu năm 2019, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại San Francisco tuyên bố rằng họ sẽ bán bức tranh nổi tiếng này của Mark Rothko. Giám đốc của bảo tàng, Neal Benezra, giải thích rằng số tiền thu được từ việc bán tranh sẽ được chuyển sang sử dụng để mở rộng bộ sưu tập SFMOMA, nâng cao giá trị đương đại và hướng đến việc cải thiện các khoảng trống lịch sử nghệ thuật để tiếp tục vượt qua các ranh giới và nắm bắt những ý tưởng mới. Tuy nhiên, quyết định này đã gây tranh cãi và dẫn đến một cuộc bàn luận về thời điểm thích hợp để một bảo tàng có thể bán một tác phẩm nghệ thuật.
Sau khi đấu giá thành công, có thông tin tiết lộ rằng số tiền thu được thực sự đã được dùng để đa dạng hóa bộ sưu tập SFMOMA, thông qua việc mua lại 11 tác phẩm của 10 nghệ sĩ, bao gồm Alma Thomas, Lygia Clark và Mickalene Thomas, cũng như tạo ra một quỹ tài trợ mới.
David Hockney, Henry Geldzahler and Christopher Scott, 1969 ($49,557,100 ~1,140 tỉ đồng)
Đấu giá tại Christie’s London, ngày 6/3/2019

Mặc dù Koons nằm trong top những nghệ sĩ đương đại có tác phẩm đấu giá đắt nhất, nhưng Hockney vẫn có một năm không kém phần ấn tượng. Đây là tác phẩm duy nhất trong danh sách này không được bán tại New York, một bức chân dung đôi của Hockney, họa lại hình ảnh của hai người quan trọng trong cuộc đời nghệ sĩ của ông: Henry Geldzahler – người bạn, người quản lý lỗi lạc, từng là Ủy viên Văn hóa của New York, cùng với đó là một cộng sự của Hockney – nghệ sĩ Christopher Scott. Để thực hiện tác phẩm này, Hockney đã rời khỏi thành phố Los Angeles yêu dấu của để lưu giữ khoảnh khắc của bộ đôi này trong căn hộ Art Deco hấp dẫn ở New York. Seri chân dung đôi “Double Portraits” của Hockney, với tất cả bảy bức vẽ, được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1968 đến năm 1975 cũng đều gây ấn tượng về kích thước thực của chúng: Mỗi tác phẩm đều cao từ 7 đến 10 feet (2 – 3m).
Nguồn: Artsy.net