5d1ba028a17d6c2ed33f4423

20 Câu Chuyện Truyền Cảm Hứng Từ Những Triệu Phú Đi Lên Từ Hai Bàn Tay Trắng (Phần 2)

Sáng tạo và khát vọng đã nuôi dưỡng hy vọng thành công trong trái tim và tâm trí của các doanh nhân xuất thân nghèo khó trên khắp thế giới.

John Paul DeJoria từng phải bán thiệp giáng sinh và bán báo để phụ giúp gia đình

John sinh ra trong gia đình nghèo tại khu ổ chuột Echo Park của Los Angeles. Mới lên 9 tuổi, ông đã phải làm nhiều việc để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Công việc đầu tiên của ông là bán thiệp Giáng sinh, nhưng số tiền kiếm được không đủ để trang trải chi phí tiêu dùng của gia đình và cuối cùng ông bị cha mẹ gửi đến một trại trẻ mồ côi. Ông có tuổi trẻ nổi loạn, từng bị bắt vì tham gia một số băng đảng đường phố ở Los Angeles. Ở tuổi 22, ông là một chàng trai vô gia cư, không nghề nghiệp. Sau đó ông xin làm bảo vệ cho một công ty nhỏ rồi dần dần được tin tưởng và giao cho vị trí quản lý. Sau một thời gian làm việc tại công ty này, John Paul DeJoria đã nảy ra ý định lập công ty sản xuất sản phẩm chăm sóc tóc của riêng mình, và ông đã bắt tay vào thực hiện. Hiện nay, ông là đồng sáng lập Công ty Patron Spirits chuyên sản xuất các sản phẩm làm đẹp.

John Paul DeJoria có tài sản ròng lên tới 3,1 tỷ USD.

Giám đốc điều hành của Starbucks, Howard Schultz, lớn lên trong các dự án nhà ở dành cho người nghèo ở Brooklyn

Howard sinh ra trong một gia đình lao động nghèo tại Brooklyn, New York. Lúc Howard lên 7 tuổi, cha ông bị tai nạn nghiêm trọng, mất sức lao động và không được trợ cấp y tế. Biến cố này đã khiến cậu bé Howard sinh ra trong khu nhà tập thể chật chội khao khát làm giàu để phụ giúp gia đình. May mắn mỉm cười với Howard khi ông giành được một suất học bổng thể thao của Đại học Northern Michigan.

Trong quãng thời gian sinh viên Howard đã làm rất nhiều các công việc lặt vặt trong trường, thậm chí để trả tiền học phí, ông còn bán cả máu. Sau khi tốt nghiệp với bằng cử nhân ngành truyền thông, Howard xin vào làm việc cho Công ty Xerox suốt 7 năm.

Tới năm 1982, cuộc đời ông thay đổi khi được nhận vào Starbucks và thăng chức giám đốc điều hành 5 năm sau đó. Dưới sự điều hành của Howard, Starbucks trở thành nhà bán lẻ cà phê khổng lồ với 27.000 cửa hàng bán lẻ ở 75 quốc gia. Hiện đã là một tỷ phú nhưng Howard vẫn giữ lối sống giản dị và lao động không mệt mỏi, với mong muốn cống hiến nhiều hơn cho xã hội.

Vào tháng 6 năm 2018, Schultz thôi giữ chức chủ tịch điều hành và là thành viên hội đồng quản trị của Starbucks. Chức danh của ông bây giờ là chủ tịch danh dự.

Giá trị ròng hiện tại của Howard Schultz là 3 tỷ đô la.

Nhà sáng lập của Forever 21, Do Won Chang từng làm nhân viên gác cổng

“Forever 21 là niềm hy vọng và nguồn cảm hứng cho những ai đặt chân đến nước Mỹ mà không có gì trong tay, ngoại trừ một giấc mơ.” – Do Won Chang từng chia sẻ. 

Năm 1981, cặp vợ chồng người Hàn Quốc Do Won Chang và Jin Sook Chang nhập cư vào Mỹ. Cuộc sống lúc đó khá vất vả buộc Do Won Chang và vợ phải lao động quần quật từ sáng đến tối để có tiền duy trì cuộc sống. Lúc đó anh cũng chưa hề dám nghĩ đến việc làm giàu. Do Won Chang phải làm cả các công việc như gác cổng, nhân viên trạm xăng, phục vụ quán cà phê để đủ tiền bươn chải. 

Trong thời gian làm việc tại trạm xăng, Do Won Chang nhận thấy những khách hàng giàu có thường làm giàu trong ngành công nghiệp may mặc. Từ đây, ông nung nấu ý định phải dấn thân vào ngành thời trang. Sau 3 năm chăm chỉ kiếm tiền, hai vợ chồng nhà Chang bắt tay làm giàu bằng cách mở cửa hiệu thời trang đầu tiên mang tên Fashion 21 tại Los Angeles (sau này được đổi thành Forever 21).

Chỉ từ 1 cửa hàng nhỏ ban đầu, Forever 21 đã trở thành thương hiệu tiên phong của ngành công nghiệp Fast Fashion – “thời trang ăn liền”. Tiêu chí của Forever 21 là quần áo phải hợp mốt, chất lượng nhưng giá thành lại bình dân. Đây là mô hình từng làm nên thành công cho các thương hiệu cùng tầm như Zara, Uniqlo, H&M… Thông thường, các đối thủ tốn khoảng một tháng, Forever 21 chỉ cần 3 tuần để đổi mới mẫu mã. Thậm chí, cả Zara cũng khó lòng đọ lại tốc độ này của Forever 21.

Forever 21 hiện nay cũng đang rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Thương hiệu được teen rất ưa thích vi phong cách lạ mà không hề lỗi mốt.

Giờ đây, Forever 21 đã trở thành thương hiệu quốc tế trong số 480 cửa hàng có doanh thu khoảng 3 tỷ USD mỗi năm.

“Bạn không thể kinh doanh với suy nghĩ thành công sẽ đến với bạn chỉ trong một hoặc hai năm”, Do Won Chang khẳng định rằng một sự hiểu biết sâu sắc về kinh doanh và văn hóa là chìa khóa tạo nên thành công của ông. 

Ralph Lauren – Từ cậu bé nghèo khổ thành tỷ phú thời trang thế giới

Theo Forbes, Ralph Lauren đang nắm trong tay khối tài sản trị giá gần 7 tỷ USD. Xuất thân từ một gia đình Do Thái nghèo khó, không có gì trong tay, ông đã xây dựng nên một trong những hãng thời trang lớn nhất thế giới.

Lớn lên, Ralph từng học cách thoát khỏi thực tế nghèo khổ của gia đình bằng cách đi xem phim và chìm đắm trong những câu truyện hư cấu. “Ralph Lauren thực sự rơi vào thế giới của những bộ phim thời đó. Ông nhìn thấy bản thân trong những tầm nhìn, mơ ước và cuộc sống của các nhân vật như Gary Cooper, Cary Grant. Và ông đem cả thế giới tưởng tượng đó vào kinh doanh thời trang”, theo Michael Gross, tác giả cuốn Genuine Authentic: The Real Life of Ralph Lauren.

Sau thời gian rèn luyện trong quân đội, ông chuyển về New York và làm thư ký tại Brook Brothers, hãng thời trang dành cho nam giới lâu đời tại Mỹ. Trận cầu Polo đầu tiên với người bạn Warren Helstein là bước ngoặt cuộc đời của Ralph Lauren. “Tôi đã được tiếp xúc với những điều tuyệt vời. Bạc, da, ngựa và những cô gái tóc vàng cao đội mũ rộng vành… Đó là xã hội thượng lưu mà tôi thực sự chưa hiểu rõ”. Cơ hội tiếp xúc với thế giới thượng lưu đã truyền cảm hứng để ông phát triển một nhãn hiệu thời trang cao cấp, thanh lịch mà sau này trở thành Polo Ralph Lauren nổi tiếng.

Năm 1967, Lauren làm việc trong cửa hàng Beau Brummell Neck wear, nơi ông lần đầu tiên tạo ra chiếc cà vạt được giới mày râu rất ưa chuộng. Ông rất táo bạo khi thiết kế cà vạt bản rộng đầy màu sắc trong thời điểm mà các sản phẩm màu trơn, bản hẹp đang là mốt. Ralph Lauren cố gắng bán chúng cho Blooming Dales nhưng họ chỉ đồng ý với điều kiện loại tên ông ra khỏi sản phẩm.

Tất nhiên Lauren không thể chấp nhận thỏa thuận đó. Sau một vài tháng khi mẫu cà vạt của Lauren bán được quá chạy ở các cửa hàng đối thủ, Blooming Dales mới đồng ý bán cà vạt của ông dưới tên gọi sản phẩm là Polo. Thành công này giúp ông thu về 500.000 USD lợi nhuận và bắt đầu xây dựng thương hiệu thời trang riêng. Chỉ tốt nghiệp trung học và tham dự vài lớp kinh doanh, quyết định mở công ty riêng là lựa chọn mạo hiểm đầu tiên Lauren trải qua trong sự nghiệp huyền thoại của ông.

Ralph Lauren hiện có tài sản ròng trị giá 5,5 tỷ USD.

Steve Jobs là con của hai người nhập cư và trở thành triệu phú năm 23 tuổi

Mặc dù Steve Jobs hiện đang được tôn vinh như một trong những bộ óc vĩ đại nhất trong lịch sử hiện đại, ông cũng có một khởi đầu vô cùng khiêm tốn.

Steve Jobs là con của hai người nhập cư và từng không có mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống. Ông lớn lên ở Mountain View, Calif, trung tâm của nền tảng thung lũng Silicon. Ở trường trung học, ông sử dụng chất gây ảo giác và thử nghiệm xem trí não sẽ như thế nào nếu không ngủ. Năm 17 tuổi, ông cùng một người bạn lập kế hoạch kinh doanh đầu tiên – họ chế tạo và bán Blue Boxes (tạm dịch: Chiếc hộp xanh), một thiết bị bất hợp pháp cho phép mọi người gọi điện thoại đường dài miễn phí, với giá khoảng 170 đô la mỗi chiếc.

Jobs bỏ dở việc học tại trường cao đẳng Reed, ông chia sẻ: “Tôi không biết mình muốn làm gì với cuộc sống và không biết trường đại học sẽ giúp tôi hiểu nó như thế nào. Tôi đã khá sợ vì bố mẹ đã đầu tư rất nhiều cho việc học hành của tôi nhưng vẫn cố trấn an bản thân rằng mọi việc sẽ ổn cả thôi. Bây giờ nghĩ lại thì đó chính là sự lựa chọn sáng suốt nhất mà tôi từng làm”. Một năm rưỡi sau, Jobs chuyển về nhà bố mẹ ở Los Altos, California. Khi đang tìm việc làm, ông tình cờ đọc được một thông báo tuyển nhân viên của công ty sản xuất trò chơi điện tử Atari. Jobs là một trong 50 nhân viên đầu tiên của Atari và kiếm được 5 đô la mỗi giờ.

Đến năm 23 tuổi, Jobs đã trị giá 1 triệu đô la. Ông là người trẻ nhất trong danh sách những người giàu nhất nước này của Forbes vào thời điểm đó – một chiến công không nhỏ mà không thừa hưởng bất kỳ sự giàu có nào của gia đình. Ông kiếm được 10 triệu đô la khi 24 tuổi và vượt mốc 100 triệu đô la khi ông 25 tuổi.

Trước khi ông qua đời ở tuổi 56 vào năm 2011, tài sản của ông được cho là có giá trị 10,2 tỷ đô la.

Lakshmi Mittal lớn lên trong một gia đình nghèo ở Ấn Độ

Tài phiệt ngành thép Ấn Độ sinh năm 1950 trong một gia đình nghèo. Ông đã gây dựng cơ đồ trong suốt hai thập kỷ với nhiều công ty hoạt động trong ngành thép, xây dựng và viễn thông.

Theo Forbes, Mittal là người giàu thứ 9 ở Ấn Độ và có tài sản ròng hiện tại là 7,7 tỷ USD.

Leonardo Del Vecchio, ông vua của đế chế kính mắt, từng là một công nhân nhà máy

Leonardo Del Vecchio sinh ra trong một gia đình nghèo ở Milan (Italia) vào năm 1935. Cha mất trước khi cậu bé chào đời vài tháng, gia đình nghèo khó, người mẹ không đủ khả năng lo cho năm đứa con nên đến năm bảy tuổi, cậu được gửi vào trại trẻ mô côi, sống nhờ vào sự chăm sóc của các tu sĩ.

Năm 14 tuổi, Leonardo Del Vecchio bắt đầu làm việc để kiếm thêm thu nhập giúp mẹ. Công việc đầu tiên của cậu là lắp ráp các bộ phận máy ở một xưởng sản xuất công cụ. Tại đây, Leonardo may mắn được người chủ cho tham gia các lớp học ban đêm tại Học viện Mỹ thuật Brera, chủ yếu về thiết kế.

Sớm bị cuốn hút và đem lòng say mê những chiếc kính mắt, chàng thiếu niên đã hình dung ra triển vọng, viễn cảnh mở rộng và quảng bá kính mắt như nhiều phụ kiện thời trang khác. Leonardo quyết định chuyển đến ngôi làng nhỏ có tên Agordo thuộc Venice, nơi được coi là quê hương của ngành công nghiệp kính mắt nước Ý để mở xưởng sản xuất riêng ở tuổi 23.

Năm 1961, Leonardo Del Vecchio thành lập Luxottica, chuyên cung cấp các mảnh kính cho các nhà sản xuất kính mắt. Không bằng cấp, không có điểm tựa gia đình, khởi đầu với 10 nhân công (tính cả người sáng lập) tại một ngôi làng nhỏ, Luxottica giờ đây được cả thế giới biết đến là một tập đoàn quy mô toàn cầu với 82.000 nhân viên và 7.000 điểm bán hàng.

Giá trị ròng hiện tại của Leonardo Del Vecchio là 16 tỷ USD

Francois Pinault bị trêu chọc ở trường vì gia cảnh nghèo khó – hiện ông là người đứng đầu tập đoàn hàng hóa xa xỉ PPR, nơi bán các thương hiệu như Gucci và Stella McCartney

Nếu bạn nhìn thấy một cảnh Đức Quốc xã bắt giữ một cậu bé vì tội đưa đồ ăn cho quân đồng minh, đánh đập cha cậu để lấy lời khai, có lẽ bạn sẽ lầm tưởng đây là bộ phim tư liệu về Thế chiến II. Dẫu vậy, đây lại chính xác là những gì về cuộc đời Francois Pinault, người đàn ông giàu thứ 27 thế giới từng trải qua khi chưa được 10 tuổi.

Sinh năm 1936 tại miền Tây nước Pháp, gia đình Pinault vốn chuyên làm nghề đốn củi bán lấy tiền. Do hoàn cảnh khó khăn nên ngay từ bé Francois Pinault đã phải tham gia phụ giúp gia đình làm việc.

Điều đặc biệt trong thời gian này là lý trí của Pinault khi bị dè bỉu về xuất thân và chất giọng. Thay vì xấu hổ, buồn bã hay tủi thân, Pinault lại biến những lời chế giễu đó thành động lực để vươn lên, cũng giống như cậu bé 7 tuổi ngày nào bị Đức Quốc Xã ép hỏi mà vẫn kiên cường phản kháng.

Sau những năm tháng kinh doanh và tích lũy kinh nghiệm, Pinault đã có thể vay tiền ngân hàng và tài sản bản thân để mua các công ty buôn gỗ nhỏ, cải thiện chúng, phát triển lớn mạnh và tiếp tục mua lại những doanh nghiệp nhỏ sắp phá sản khác. Bí quyết của Pinault thời kỳ này là liên tục mua những doanh nghiệp nhỏ, tái cấu trúc và đa dạng hóa kinh doanh để phát triển chúng thành những tập đoàn đa ngành nghề. Định hướng này của Pinault khá thành công bởi nền kinh tế thế giới đang dần khôi phục lại sau chiến tranh và rất nhiều ngành nghề còn bỏ trống. Bước sang thập niên 2000, Pinault hướng đến mảng hàng xa xỉ khi số lượng người giàu tăng nhanh trên thế giới. Ông mua 42% cổ phần của hãng thời trang Gucci với giá 3 tỷ USD, tiếp đó là mua lại thương hiệu YSL, Boucheron, Balenciaga hay Alexander McQueen.

Con trai của Pinault, Francois-Henri Pinault, là chủ tịch và CEO danh dự của tập đoàn xa xỉ Kering, công ty sở hữu các thương hiệu thời trang Saint Laurent, Alexander McQueen và Gucci.

Từng là người giàu nhất nước Pháp, Francois Pinault và giá trị tài sản ròng hiện tại của gia đình ông được ước tính trị giá 29,5 tỷ đô la.

Sheldon Adelson từng đi giao báo trước khi ông trở thành một tỷ phú

Mặc dù Sheldon Adelson hiện có tài sản ròng trị giá 29,3 tỷ đô la, ông có xuất phát điểm đầy khiêm tốn.

Tuổi thơ của Adelson gắn với khu chung cư cũ kỹ, 6 người trong gia đình chen chúc trên một chiếc giường ngủ. Số tiền bố mẹ Adelson kiếm được bằng nghề lái xe và đan len không đủ để gia đình có cuộc sống đầy đủ. Mới 12 tuổi đã đi bán báo kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Adelson từng thử sức trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đóng gói xà phòng trong khách sạn cho tới môi giới vay nợ trả góp. Hiện tại, ông là CEO của hệ thống khách sạn sòng bạc lớn nhất nước Mỹ Sands Hotel & Casino, đồng thời quản lý casino nổi tiếng The Venetian, Las Vegas.

Larry Ellison đã làm những công việc lương thấp ở California trước khi thành lập Oracle

Nhà sáng lập kiêm chủ tịch công ty Oracle hiện là người giàu thứ 7 trên thế giới và là một trong những doanh nhân quyền lực nhất giới công nghệ. Trước khi có được thành công ngày này, Larry đã trải những năm tháng tuổi thơ vất vả, thiếu thốn tình cảm. Ông sinh ra ở Brooklyn, New York bởi một người mẹ đơn thân. Khi Ellison lớn được 9 tháng tuổi thì bị viêm phổi nặng và được mẹ gửi đến ở nhờ nhà cô chú ở Chicago. Sau khi cô của ông mất, Ellison bỏ học đại học và chuyển đến California làm nhiều nghề để kiếm sống trong vòng 8 năm. Ông tự học các kỹ năng về máy tính và lập trình, sau đó cùng với một số người bạn thành lập công ty phát triển phần mềm Oracle vào năm 1997. Hiện Oracle là một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới.

(Hết)

Nguồn: Businessinsider

Share this post

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Tin Mới Nhất