frederique-constant-moonphase-watch

Cẩm Nang Chăm Sóc Đồng Hồ Cao Cấp

Đồng hồ tốt, nếu được giữ gìn và bảo quản tốt nữa, có thể chạy được rất lâu. Việc chăm sóc này không chỉ giới hạn trong việc làm sạch và giữ cho đồng hồ chạy đúng mà việc mua bảo hiểm cho đồng hồ và đưa đi bảo dưỡng định kỳ thường xuyên cũng rất được khuyến khích, nhất là khi chiếc đồng hồ đó có mức giá nghiêng về hai chữ “trên trời”.  

Dưới đây là một vài mẹo nhỏ và thủ thuật mà người dùng có thể tham khảo để giúp giữ chiếc đồng hồ cao cấp của mình chạy được lâu và bền hơn.

MUA BẢO HIỂM CHO ĐỒNG HỒ CAO CẤP

Cũng giống như việc mua bảo hiểm cho nhà, xe hay điện thoại di động, người đeo đồng hồ nên mua bảo hiểm để bảo vệ những chiếc đồng hồ cao cấp của mình. Hơn nữa, dù một chiếc đồng hồ mang giá trị tình cảm đúng là không thể thay thế thì trong trường hợp chiếc đồng hồ đó lỡ bị mất hoặc bị trộm, việc mua bảo hiểm vẫn có thể giúp chủ sở hữu cảm thấy an ủi phần nào.

Giá bảo hiểm đồng hồ loại rẻ nhất chỉ rơi vào khoảng 3,5 Euro, tức là khoảng 100.000 đồng mỗi tháng, mức giá này thường được quyết định dựa trên nhà sản xuất, mẫu mã đồng hồ, mức bảo hiểm và công ty bảo hiểm bạn lựa chọn. Dưới đây là một vài điểm chính cần lưu ý khi mua bảo hiểm cho đồng hồ:  

  • Có một vài loại bảo hiểm nhà ở có bao gồm bảo hiểm cho tài sản cá nhân như đồng hồ hay trang sức, vậy nên hãy kiểm tra kỹ hợp đồng bảo hiểm của mình. Ngoài ra, có một vài đơn vị sẽ không chịu trách nhiệm về những tài sản bị mất, bị trộm hay hư hỏng ngoài phạm vi nhà ở.
  • Vì giá của vàng và bạc dao động thường xuyên, người dùng cũng cần thường xuyên định giá lại đồng hồ của mình. Một vài đơn vị bảo hiểm sẽ chỉ chi trả mức giá như khi bạn ký hợp đồng, nên hãy cẩn thận để không chịu thiệt nếu bạn sở hữu mẫu đồng hồ có nhiều khả năng sẽ tăng giá trong tương lai.
  • Có một sự thật là, một vài đơn vị bảo hiểm sẽ hoàn trả dưới hình thức thẻ quà tặng hay voucher, hoặc đề nghị thanh toán bằng tiền mặt nhưng với giá trị thấp hơn thẻ quà tặng.   
  • Luôn luôn kiểm tra mức khấu trừ, vì trong vài trường hợp, số tiền cần để sửa một chiếc đồng hồ cũ có thể lớn hơn cả chi phí mua đồng hồ mới.

BẢO DƯỠNG ĐỒNG HỒ CAO CẤP

Thời gian rất quý giá, đồng hồ cao cấp cũng vậy. Đảm bảo cho đồng hồ không tiếp xúc với nhiệt đô quá cao hoặc quá thấp, nước hoặc các yếu tố gây hại khác là bước đầu tiên trong việc bảo vệ đồng hồ. Ngoài ra, còn có một vài điều cơ bản bạn nên (hoặc không nên) làm để chăm sóc đồng hồ của mình thật tốt:  

  • Đồng hồ không thấm nước hay có sức chịu nước?

Luôn luôn kiểm tra mức độ chống nước của đồng hồ. Nếu đồng hồ chỉ được dán nhãn “water resistant” (có sức chịu nước) thì có thể mức độ chịu nước của đồng hồ sẽ không cao lắm. Nói đơn giản thế này, chiếc đồng hồ đó có thể chống lại một cơn mưa nhỏ, nhưng chắc chắn sẽ không trụ nổi nếu bị nhúng xuống nước, và người dùng nên tháo những loại đồng hồ thế này ra trước khi đi tắm.    

Kể cả những chiếc đồng hồ được xếp vào loại chống nước cũng có thể không hoàn toàn ngăn được việc thấm nước, vậy nên hãy tìm hiểu thật kỹ trước khi mua để sở hữu chiếc đồng hồ phù hợp nhất. Ví dụ, nếu đồng hồ của bạn là loại dây da thì bạn không nên để gần nước, dù nó có được dán nhãn chống nước đi chăng nữa, như vậy lớp da sẽ được bảo quản tốt hơn.

  • Bảo dưỡng đồng hồ cao cấp

Cũng giống như xe thể thao, đồng hồ cao cấp cần được chăm sóc thường xuyên. Hãy tập cho mình thói quen đưa đồng hồ đến chuyên gia bảo dưỡng nhé. Có nhiều trường hợp thợ kim hoàn không đóng chặt đồng hồ sau khi tháo mặt, nên bạn hãy tìm đến thợ sửa chữa đồng hồ chuyên nghiệp để đảm bảo rằng chiếc đồng hồ được đóng chặt để chống nước và chạy tốt sau khi sửa. Những người hay chơi thể thao thì đồng hồ của họ cũng có nhiều năng tiếp xúc với các yếu tố gây hại cao hơn, nên những chiếc đồng hồ này cũng cần được đi đưa bảo dưỡng thường xuyên hơn.     

  • Tránh tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng hoặc lạnh

Việc chuyển đổi quá nhanh giữa nhiệt độ nóng và lạnh có thể gây hại đến đồng hồ, nên nếu có ra biển phơi nắng thư giãn thì người dùng cũng nên cất đồng hồ đi để tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và nhiệt độ cao. Kể cả khi bạn sở hữu loại đồng hồ siêu chống thấm nước thì cũng nên tháo ra trước khi vào phòng xông hơi, vì hơi nước có thể thẩm thấu vào giữa các mối nối và miếng đệm bên trong đồng hồ.  

LÊN DÂY CÓT ĐỒNG HỒ CAO CẤP

Những người thích đồng hồ cao cấp hẳn đều coi đồng hồ cơ là biểu tượng của sự khéo léo, là kết tinh hoàn hảo từ khoa học và nghệ thuật mà ai cũng muốn truyền lại cho các thế hệ sau. Nếu bạn có ý định đầu tư vào một chiếc đồng hồ cao cấp chạy bằng cơ học thì việc lên dây cót cẩn thận cũng rất quan trọng.    

  1. Tháo đồng hồ ra trước khi lên dây cót, nếu không thì hệ thống dây cót sẽ phải chịu thêm áp lực không cần thiết.
  2. Đừng bao giờ lên dây cót quá tay. Dừng lại ngay khi cảm thấy sức cản.
  3. Cố gắng tạo thói quen lên dây cót hàng ngày, như vậy đồng hồ sẽ chạy đúng hơn.  

VỆ SINH ĐỒNG HỒ CAO CẤP

Không ai mặc một bộ đồ bẩn đi dự tiệc cả, vậy không có lý do gì mà người đeo đồng hồ không thể dành thời gian vệ sinh những chiếc đồng hồ cao cấp của mình. Mồ hôi, bụi bẩn và môi trường bên ngoài có tác động rất lớn đến đồng hồ, và đồng hồ có thể cũ đi rất nhanh nếu không được vệ sinh thường xuyên. 

Mỗi loại đồng hồ cao cấp lại có yêu cầu khác nhau, nên quy trình vệ sinh cũng không thể giống nhau được. Dưới đây là một số bước cơ bản người dùng có thể tham khảo khi vệ sinh đồng hồ, nhưng người dùng cũng nên đọc kỹ hướng dẫn từ nhà sản xuất trước khi vệ sinh đồng hồ để đảm bảo chất lượng tốt nhất.  

  • Vệ sinh đồng hồ làm từ vàng, bạc hoặc thép không gỉ

Vàng, bạc hay thép không gỉ đều là các vật liệu cứng và bền nên thường xuyên được sử dụng để chế tạo đồng hồ cao cấp (ngoài việc đồng hồ làm từ những vật liệu này trông rất đẹp nữa). Tuy nhiên, chúng vẫn có thể bị trầy xước. Vệ sinh đồng hồ sẽ giúp lớp kim loại giữ được vẻ sáng bóng – dưới đây là một số gợi ý:  

  1. Trước khi bắt đầu, hãy tháo mặt đồng hồ khỏi dây đeo để không dùng nhầm chất tẩy rửa cho các bộ phận khác nhau. Việc này cũng giúp người dùng có thể làm sạch kỹ hơn mọi bộ phận của đồng hồ.
  2. Sử dụng vải trơn và nước lau kính để vệ sinh đồng hồ, nhớ là phải lau theo hình tròn với mặt đồng hồ nhé.
  3. Dùng vải mềm khô, lau theo hình tròn để lau khô mặt và dây đồng hồ.
  4. Khi mặt và dây đồng hồ đã khô hẳn, chỉ cần lắp lại như cũ, vậy là bạn đã xong rồi.
  • Vệ sinh đồng hồ dây da

Da là một loại vật liệu rất dễ già hóa: mồ hôi, da chết, dầu nhờn và bụi bẩn có thể làm phần dây đeo bị ám mùi và cũ đi rất nhanh. Không có loại dây da nào bền đến mức không cần thay, nhưng vệ sinh thường xuyên thì dây da cũng có thể dùng được rất lâu. 

  1. Đầu tiên, lau dây da bằng vải khô loại sợi mềm, nhỏ; chú ý lau sạch tất cả bụi bẩn mắt thường có thể thấy.  
  2. Làm ẩm khăn vải sợi nhỏ bằng nước ấm và vài giọt xà phòng rửa tay (tốt nhất nên dùng loại không có dầu). Người dùng không nên dùng quá nhiều xà phòng hay nước vì dung dịch thừa ra có thể làm ố da.
  3. Làm ẩm một chiếc khăn vải sợi nhỏ khác bằng nước lạnh và lau kỹ dây đeo để không sót lại xà phòng.
  4. Để đồng hồ khô ở nhiệt độ phòng và tuyệt đối không nên lắp ráp lại đồng hồ nếu đồng hồ chưa khô.

Đồng hồ cao cấp có thể cần chăm sóc và chú ý nhiều hơn các loại trang sức hay phụ kiện khác, nhưng nếu được bảo quản đúng cách, đồng hồ sẽ ngày càng trở nên giá trị hơn. 

Nguồn: The Watch Hut

Share this post

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Tin Mới Nhất