Đừng lo lắng nếu có chót ngẩn ngơ trước một chiếc đồng xa xỉ, bạn chắc chắn không cô đơn. Bạn đang sống trong một thế giới mà giá trị của một chiếc đồng hồ có thể lên đến sáu, hay thậm chí bảy, tám con số, đến từ các thương hiệu với những cái tên khó phát âm và có những thuật ngữ bạn chưa từng nghe qua trong đời: lịch tuần trăng (moon phase), chức năng phức tạp (complication), đồng hồ bấm giờ (chronograph),… Đồng hồ với tính năng đặc biệt có thể đáng giá hàng chục ngàn đô la, hay thậm chí nhiều hơn. Đó là lý do chúng tôi tổng hợp những kiến thức cơ bản nhất trong sáu điều bạn cần biết về đồng hồ cao cấp. Xin hãy tiếp tục đọc để thấy rằng bạn cũng có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này chỉ trong ít phút.
6 điều bạn cần biết về đồng hồ cao cấp:
- Máy đồng hồ gồm những loại nào?
- Những phong cách đồng hồ nào bạn nên biết?
- Con dấu Geneva là gì?
- Tính năng phức tạp là gì? Vì sao tính năng phức tạp lại quan trọng?
- Chăm sóc một chiếc đồng hồ cao cấp như thế nào?
- Thương hiệu đồng hồ nào “giữ giá” tốt nhất?
1. Các loại máy đồng hồ
Máy (movement), hay còn được gọi là caliber, là các thiết bị bên trong giúp cho đồng hồ hoạt động. Máy đồng hồ có hai loại chính: máy cơ học và máy thạch anh (quartz)
Máy cơ học: Đây là những bộ máy được chế tạo thủ công một cách công phu, bao gồm các thành phần tinh vi và phức tạp được ráp nối và hoạt động liền mạch với nhau. Chúng yêu cầu các kĩ thuật chế tạo tuyệt đối chính xác. Đồng hồ hoạt động bằng năng lượng sản sinh từ dây cót bên trong máy.
Có hai loại đồng hồ cơ: đồng hồ cơ thủ công và đồng hồ cơ tự động.
- Đồng hồ thủ công phải được lên dây thủ công (bằng tay) để tạo năng lượng cho dây cót. Để làm được điều này, người sở hữu phải xoay núm điều chỉnh của đồng hồ một vài vòng để sau đó, dây cót đã bị cuộn lại từ từ tự kéo trở lại và giải phóng năng lượng. Quãng thời gian đồng hồ cần được lên cót phụ thuộc vào khả năng tích trữ năng lượng của bộ máy đồng hồ, có thể dao động từ 24h đến vài ngày.
- Đồng hồ tự động, còn được gọi là đồng hồ tự lên dây cót, lại hoạt động nhờ năng lượng mà người đeo tạo ra khi họ chuyển động. Bởi vậy, nếu đeo thường xuyên, bạn sẽ không cần phải lên dây cót cho những chiếc đồng hồ tự động này. Tuy nhiên, nếu bạn không đeo đồng hồ trong một thời gian dài, bạn sẽ cần lên dây một chút để đồng hồ thu thập năng lượng.

Máy thạch anh (quartz): Bộ máy này sử dụng pin thạch anh làm nguồn năng lượng cho đồng hồ. Đồng hồ thạch anh có tính chính xác cao và cũng yêu cầu sự chăm sóc rất tỉ mỉ kỹ lưỡng. Cấu tạo của chúng có ít thành phần cơ học hơn và sự kỳ công trong chế tác cũng ít hơn rất nhiều so với đồng hồ cơ học, bởi thế đồng hồ thạch anh thường có giá rẻ hơn. Nhưng dù là vậy, những chế tác thủ công tinh hoa phức tạp có vẻ như vẫn là sự hấp dẫn khó chối từ với những tín đồ sùng bái máy đo thời gian.
2. Những phong cách đồng hồ bạn nên biết?
Những chiếc đồng hồ xa xỉ có rất nhiều phong cách khác nhau. Dưới đây là một số phong cách đồng hồ được ưa chuộng nhất mà bạn có thể tham khảo:
Dress Watch: những chiếc đồng hồ thanh lịch trang nhã này là phụ kiện hoàn hảo cho những bộ đồ công sở hay trang phục đặc biệt trang trọng. Loại đồng hồ này phải mỏng và thanh thoát đủ để cổ tay áo sơ mi có thể trượt qua, làm chiếc đồng hồ lúc hiện ra, lúc lại được giấu sau tay áo. Có rất nhiều loại Dress Watch không thêm bất kỳ chức năng phức tạp nào (bạn có thể xem thêm bên dưới) để đảm bảo duy trì được sự thanh thoát và đẹp mắt cho mặt đồng hồ, dù chúng vẫn thường có một ô nhỏ để hiển thị ngày.
Diving Watch (Đồng hồ lặn): Những chiếc đồng hồ này được thiết kế một cách đặc biệt để chống chịu được những điều kiện lặn khắc nghiệt. Đồng hồ lặn có tính chống nước vượt trội với chất liệu sản xuất là những kim loại chống ăn mòn, bởi đồng hồ có độ chính xác tiệm cận tuyệt đối là yếu tố sống còn với người thợ lặn khi họ đang ở độ sâu hàng chục mét dưới mặt nước với một nguồn không khí hữu hạn. Những chiếc đồng hồ này thường có bản lớn, mặt đồng hồ dễ đọc và thường có một vòng bezel quay theo một hướng duy nhất nhằm giúp cho người thợ lặn biết được họ đã ở dưới nước bao lâu.
Sports Watch (Đồng hồ thể thao): Loại đồng hồ này hẳn là lựa chọn hoàn hảo dành cho những người yêu thích chạy bộ, đạp xe, leo núi hay bất kì một môn thể thao mạo hiểm nào khác. Đồng hồ thể thao cực kỳ đa dụng: nó phù hợp với cả những ngày làm việc trong văn phòng hay khi bạn phải lao động nặng nhọc. Những chiếc đồng hồ này thường phải được trang bị vỏ cường lực, khả năng chống nước và một dàn các tính năng phức tạp khác như máy đo thời gian (chronograph) hay đo tốc độ (tachymeter).
3. Con dấu Geneva là gì?
Con dấu chính thống này là một giải thưởng cho những chiếc đồng hồ đáp ứng được tiêu chuẩn cao cấp của tài nghệ đồng hồ Geneva. Con dấu Geneva là sự đảm bảo cho tính chính xác đặc biệt của đồng hồ cũng như vinh danh chiếc đồng hồ đó với vị thế của một tác phẩm nghệ thuật. Để nhận được Con dấu, toàn bộ việc chế tạo máy, lắp ráp vỏ và điều chỉnh đồng hồ đều phải được thực hiện tại Geneva, và những chiếc đồng hồ này cũng sẽ vinh dự được dán Con dấu danh giá này trên cả máy và vỏ của chúng.

Trong số 20 triệu chiếc đồng hồ được chế tác tại Thụy Sĩ hàng năm, chỉ có 24.000 chiếc sở hữu Con dấu Geneva. Các thương hiệu đã chế tác ra những cỗ máy thời gian chạm tới con dấu này bao gồm Cartier, Vacheron Constantin, Chopard và Roger Dubuis. Ông Roger Dubuis, người thợ đồng hồ bậc thầy của Geneva, đã có câu nói nổi tiếng: Bản thân Con dấu Geneva không phải là dấu chốt khâu cuối, mà là điểm khởi đầu trong hành trình tìm kiếm sự xuất sắc của nó.
4. Tính năng phức tạp là gì? Vì sao tính năng phức tạp lại quan trọng?
Tính năng phức tạp (Complication) là bất kỳ một chức năng nào khác của đồng hồ bên cạnh việc thể hiện giờ, phút, giây. Việc chế tạo những chiếc đồng hồ với nhiều tính năng phức tạp là vô cùng khó khăn, và bộ máy của chúng cũng đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Những tính năng phức tạp được sử dụng rộng rãi nhất bao gồm:
Ngày tháng: Tính năng phức tạp đơn giản nhất của một chiếc đồng hồ là thể hiện ngày tháng. Những chiếc đồng hồ với tính năng này có thể thể hiện thứ, ngày hay thậm chí là cả ngày cả tháng.
Đồng hồ bấm giờ (Chronograph): Tính năng này có công dụng như một chiếc đồng hồ bấm giờ, cho phép người đeo đo khoảng thời gian mà không ảnh hưởng đến thời gian chính của đồng hồ. Tùy thuộc vào các loại đồng hồ khác nhau mà tính năng này có sự khác nhau: bấm giờ, phút hoặc cả giờ cả phút. Một số loại đồng hồ có thể kể đến là: đồng hồ bấm giờ flyback (nhanh chóng đặt lại chức năng hẹn giờ); và đồng hồ bấm giờ rattrapante (có thêm một kim giây bấm giờ, cho phép thực hiện hai phép đo riêng biệt cùng lúc).
Chỉ số dự trữ năng lượng: Cho phép người đeo thấy được phần năng lượng còn lại trong dây cót của đồng hồ trước khi chúng cần được lên dây. Lượng năng lượng dự trữ tối đa sẽ phụ thuộc vào mỗi loại đồng hồ khác nhau.
Lịch tuần trăng: Tính năng này mô phỏng hình dáng của mặt trăng theo thời gian, và người đeo có thể thấy được trăng đang non hay già, đang tròn hay khuyết. Một số đồng hồ còn hiển thị chu kỳ pha mặt trăng một cách cực kỳ đẹp mắt và tinh hoa với hình mô phỏng mặt trăng từ từ chuyển động khi nó hoàn thành một chu kỳ.

Giờ thế giới: Tính năng rất phức tạp này hiển thị đồng thời 24 múi giờ. Đồng hồ có giờ thế giới chứa một khung xoay bezel bên trong, hiển thị 24 giờ và vòng bezel bên ngoài có tên các thành phố lớn tương ứng với mỗi múi giờ. Như vậy, vòng bezel bên trong sẽ xoay trọn vẹn một vòng mỗi ngày.
5. Cách “chăm sóc” một chiếc đồng hồ cao cấp
Đồng hồ xa xỉ đòi hỏi sự chăm sóc và bảo dưỡng thích hợp để đảm bảo rằng chúng được giữ gìn cho các thế hệ tương lai. Bởi bất kể bạn cẩn trọng với chiếc đồng hồ của mình như thế nào, các chất liệu của đồng hồ vẫn có thể bị mòn theo thời gian. Chuyên gia Tom Pozsgay của hãng đồng hồ cao cấp WP Diamonds, khuyên rằng đồng hồ nên được bảo dưỡng bốn đến năm năm một lần. Trong tiến trình bảo dưỡng đồng hồ chuyên nghiệp, thợ đồng hồ sẽ tháo chiếc đồng hồ của bạn và kiểm tra chuyên sâu bên trong đồng hồ, thay gioăng, thay dầu, điều chỉnh và sửa chữa những phần cần thiết cũng như làm sạch đồng hồ của bạn.
Ngoài việc bảo trì đồng hồ thường xuyên, còn có một số yêu cầu khác bạn nên thực hiện để đồng hồ hoạt động tốt nhất:
- Xem lại hướng dẫn sử dụng của đồng hồ để nắm rõ cách chăm sóc cụ thể cho chiếc đồng hồ bạn sở hữu.
- Sử dụng một miếng vải sợi nhỏ mềm để lau vỏ và dây đeo đồng hồ để tránh bụi bẩn tích tụ.
- Nắm rõ về tính năng chống nước của đồng hồ: luôn luôn giữ các mẫu đồng hồ không chống nước cách xa khỏi những nơi ẩm ướt.
- Tránh nam châm, vì chúng cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của đồng hồ. Và đừng quên rằng nam châm có trong rất nhiều thiết bị điện tử như TV, loa hay lò vi sóng.
- Nếu bạn sở hữu một chiếc đồng hồ thạch anh, hãy chắc chắn rằng bạn thay pin trước khi nó chết, vì pin chết có thể bị gỉ và làm hỏng đồng hồ của bạn.
- Khi bạn không đeo đồng hồ, hãy giữ đồng hồ trong hộp đựng của nó để đồng hồ được giữ gìn cẩn trọng.
- Và quan trọng nhất, bạn đừng bao giờ tự mở đồng hồ. Công việc này chỉ nên được thực hiện bởi một thợ đồng hồ lành nghề. Việc tự loay hoay tìm cách mở chiếc đồng hồ đắt đỏ của bạn sẽ không đạt được bất cứ lợi ích nào ngoài việc làm cho nó bị tổn hại (thậm chí một vết bẩn cũng được coi là tổn hại) và phá vỡ điều kiện bảo hành của chiếc đồng hồ đó.
6. Thương hiệu đồng hồ nào “giữ giá” tốt nhất?
Mặc dù các dòng đồng hồ cao cấp thường đều có các mức giá như trên trời, nhưng không phải thương hiệu nào cũng giữ được giá khi bán lại. Rolex là một thương hiệu đồng hồ thành công trong việc “giữ giá” cho những chiếc đồng hồ trên thị trường thứ cấp, bằng việc tạo ra những loại đồng hồ với chất lượng vượt trội và chỉ sản xuất một số lượng hạn chế mỗi năm. Phương châm đó chính là yếu tố làm tăng nhu cầu sở hữu của giới mộ điệu cũng như khiến cho tên thương hiệu trở nên cực kỳ nổi tiếng.
Nguồn: wpdiamonds