Cuộc thi ảnh BIAZA được tổ chức thường niên bởi Hiệp hội Sở thú và Thủy cung Anh – Ireland. Thông qua cuộc thi, ban tổ chức muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của các sở thú cũng như thủy cung với động vật, con người. Những tấm ảnh đạt giải dưới đây sẽ giúp độc giả có một góc nhìn hoàn toàn mới về những loài vật tưởng chừng như rất quen thuộc.
1. “The Boy in the Red Coat” (Tạm dịch: Chú Bé Mặc Áo Đỏ) – Robert Everett

Robert Everett đã chụp được cảnh một cậu bé đi qua bể chim cánh cụt tại Vườn thú Chester. Phần trên của bể kính không được chụp lại, khiến cho người xem có cảm giác giữa cậu bé và làn nước chỉ có một khoảng không mỏng manh.
Everett chia sẻ cảm nghĩ về bức ảnh: “Tôi nghĩ đây là một ví dụ hoàn hảo để chứng minh rằng tình yêu thiên nhiên của con người sẽ được bồi đắp khi các vườn thú bảo đảm rằng du khách được tiếp xúc gần gũi với thiên nhiên hết mức có thể.”
Trong ảnh là loài chim cánh cụt Humboldt, loài này có trọng lượng từ 4 đến 5 kg và có chiều cao trung bình từ 66 đến 70 cm. Chúng được đặt tên theo dòng Humboldt, một dòng nước lạnh giàu chất dinh dưỡng chảy dọc theo bờ biển Nam Mỹ từ phía bắc Peru đến phía nam của Chile.
2. “Return of the Mac(aque)” (Tạm dịch: Sự Trở lại Của Loài Khỉ) – Chris Townsend

Tấm ảnh này được chụp ở Vườn thú Newquay. Trong ảnh là một chú khỉ màu đen Sulawesi đang nhìn thẳng vào máy ảnh.
Hiệu ứng trắng đen đã làm tấm ảnh trở nên sống động hơn bao giờ hết, và chú khỉ trong máy ảnh có ánh nhìn cũng sâu sắc hệt như con người vậy.
Loài khỉ Macaque còn được biết đến với những cái tên như khỉ đuôi dài hay khỉ mặt chó.
3. “Markhor Overlooking His Enclosure” (Tạm dịch: Hộ Vệ Núi Rừng) – Alyson Houston

Houston đã chụp được ảnh chú dê núi Markhor đang ngắm nhìn những ngọn núi xung quanh mình ở Công viên Hoang dã RZSS Highland. Góc chụp của bức ảnh giúp khán giả thấy được khung cảnh bao quanh chú sơn dương, đồng thời khơi dậy trí tò mò của họ về những cảnh vật chú thấy mỗi ngày.
Dê núi Markhor là loài vật bản địa vùng Trung và Tây Á. Chúng di chuyển nhanh nhẹn và có bước đi vững chắc. Đặc điểm nhận dạng của loài này là bộ lông dài cùng cặp sừng xoắn đặc biệt.
4. “Hold Your Gaze” (Tạm dịch: Nhìn Kỹ Nhé) – Donovan Lewis

Tấm ảnh này được Lewis chụp ở Thủy cung Blue Planet. Trong ảnh là một người thợ lặn bơi cùng một chú cá mập hổ cát.
Những chi tiết trong tấm ảnh đều rất sắc nét. Người xem có thể thấy rõ cái miệng đầy những chiếc răng sắc nhọn của chú cá mập đang mở ra trong khi quay về hướng người thợ lặn.
Mặc dù sở hữu hàm răng đáng sợ cùng vẻ ngoài dữ tợn, nhưng thực chất cá mập hổ cát khá hiền lành và chỉ tấn công con người để tự vệ.
5. “Owl have to be weighing you” (Tạm dịch: Cú Cũng Phải Cân) – Niall Owen

Niall Owen đã chụp được bức ảnh vô cùng lý thú này về một chú cú con đang được cân tại Vườn thú Welsh Mountain.
Chú cú nhỏ ngồi trên một cái cân và đang nhìn về phía bên phải. Tấm ảnh ở cự ly gần này giúp người xem có thể quan sát chú cú theo một góc nhìn hoàn toàn khác. Trong ảnh còn có bàn tay một người đang hướng về phía chú cú, điều này giúp nhắc nhở người xem rằng chú cú này đang ở trong môi trường sở thú.
Có thể bạn chưa biết, cú có 14 đốt sống cổ, gấp đôi con người. Điều này giúp cú có thể quay đầu góc 270 độ. Ngoài ra, cú thường đi lang thang để làm tổ. Chúng không xây mới cho riêng mình mà sử dụng các tổ hay hốc cây bị bỏ lại bởi các loài chim khác như chim gõ kiến, đồi mồi.
6. “Even giants start small” (Tạm dịch: Ai Cũng Có Điểm Bắt Đầu) – Emma Lawlor

Lawlor đã quay lại cảnh những chú muỗm nở ra từ trứng tại Đại học Sparsholt.
Trong ảnh là 4 chú muỗm đang treo mình trên cây và tiếp nhận cảnh vật xung quanh mình. Cánh của những chú muỗm này vẫn chưa phát triển, nhưng từ bức ảnh, người xem hoàn toàn có thể tưởng tượng được sau này chúng sẽ lớn đến mức nào.
Thức ăn ưa thích của muỗm là các loại lá, hoa, vỏ cây và hạt, nhưng một số loài là những động vật ăn thịt, chúng chỉ ăn sâu bọ, ốc sên hoặc thậm chí là cả các động vật có xương sống nhỏ như rắn hay thằn lằn.
7. “Thao Whipping Frogs” (Tạm dịch: Ếch Ngồi Đầu Ếch) – Eleanor Stobbart

Tấm ảnh này được chụp tại Vườn thú Paignton, trong ảnh là một chú ếch Rhacophorus feae con đang ngồi trên đầu một chú ếch trưởng thành. Cả 2 chú ếch đều đang nhìn thẳng vào máy ảnh với cái nhìn vô cùng sống động.
Tấm ảnh thu hút này được chụp vô cùng sắc nét, giúp cho người xem có thể quan sát từng chi tiết của 2 chú ếch, thậm chí những đường vân ở mắt của chúng cũng được chụp lại rất rõ ràng.
Giống ếch này gần như đã tuyệt chủng do thiếu môi trường sống và nguồn thức ăn. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu tại sở thú Paignton đã nhân giống loài này thành công vào tháng 5/2019.
8. “Nifty nose” (Tạm dịch: Chiếc Mũi Khéo Léo) – Samantha Allworthy

Samantha Allworthy đã quay phim tài liệu về một chú nhím đuôi dài tại Công viên Longleat Safari.
Trong tấm ảnh, chú nhím đang đi trên một cành cây về phía máy ảnh. Người xem có thể thấy rõ được vẻ đẹp của chú nhím với những chiếc gai, bộ móng hay chiếc mũi được chụp lại vô cùng sắc nét giữa bức ảnh.
Loài này là động vật thuộc họ nhím. Chúng là động vật ăn đêm, thường được bắt gặp ở các khu rừng tại vùng núi nhiệt đới và cận nhiệt đới.
9. “Ethiopian Mountain Adder” (Tạm dịch: Rắn Bitis Parviocula) – Daniel Kane

Bức ảnh này của Kane được chụp tại Sở thú ZSL Longdon. Trong ảnh là một chú rắn Bitis parviocula đang ở cự ly rất gần.
Đây là một bức ảnh tuyệt diệu. Nếu nhìn vào tấm ảnh này một lúc lâu, người xem sẽ có cảm giác rằng chú rắn chỉ đang ở cách mình vài cm.
Bitis parviocula là một loài rắn độc thuộc họ rắn lục chỉ có thể được tìm thấy ở Ethiopia.
10. “Wearing her heart on her nose” (Tạm dịch: Trái Tim Trên Mũi) – Jo Thrower

Thrower đã chụp được bức ảnh cận cảnh của một cô vượn mực tên Beatrice tại Sở thú Noah’s Ark Zoo Farm.
Trong ảnh, ánh mắt của cô vượn đang hướng lên phía trên, và cả khuôn mặt cùng chiếc mũi của cô được đặt ở vị trí trung tâm bức ảnh.
Thrower chia sẻ rằng: “Beatrice hiếm khi ngồi một mình mà không ở cạnh những đứa con nghịch ngợm của mình. Và đây là một trong những dịp hiếm hoi tôi có thể chụp lại chiếc mũi hình tim của cô nàng.”
Vượn mực (tên tiếng Anh: Siamang Gibbon) là 1 trong những loài vượn lớn nhất trong thế giới loài vượn. Chúng cũng có thể tạo ra những âm thanh lớn nhỏ khác nhau khi giao tiếp. Bộ phận phát âm ở cổ của vượn mực có thể to phồng lên bằng đầu của chúng khi chúng ”hát”.
11. “Mischievous kit” (Tạm dịch: Chú Nhóc Nghịch Ngợm) – Leanne Aldred

Leanne Aldred đã chụp lại được một khoảnh khắc vô cùng thú vụ của một chú cầy mực con tại Công viên Wingham Wildlife.
Trong ảnh, chú cầy con đang dùng bữa, và cái miệng mở ra tạo cho người xem cảm giác chú đang nở một nụ cười rất tươi.
Đây là loài động vật thuộc họ Cầy, và thường được biết đến với cái tên Don ở Việt Nam. Môi trường sống của chúng là các khu rừng mưa ở Nam Á và Đông Nam Á. Chúng được liệt vào danh sách loài sắp nguy cấp do xu hướng suy giảm số lượng cá thể ước tính hơn 30% trong ba thập kỷ qua.
12. “Perfectly poised” (Tạm dịch: Hoàn toàn sẵn sàng) – Clare Wilkie

Tấm ảnh này được Wilkie chụp tại Sở thú Crocodiles of the World. Trong ảnh là một chú cá sấu Mỹ đang đưa chân trước xuống nước trong tư thế săn mồi.
Mắt chú cá sấu sáng lên khi đưa chân xuống nước, và lớp vảy nhiều màu của chú cũng tỏa sáng dưới ánh sáng rực rỡ.
Cá sấu là loài bò sát sống dưới nước. Nhờ kích thước lớn, bộ hàm mạnh khỏe, chúng là một trong những loài động vật ăn thịt đáng sợ nhất trên Trái Đất. Chúng có tuổi thọ trung bình ít nhất 30-40 năm và trong một số trường hợp chúng có thể sống tới 60-70 năm.
Nguồn: Insider