bugatti-veyron-hybrid-co-kha-nang-ra-mat-nam-2015-1

Điểm Danh 10 Siêu Xe Nhanh Nhất Thế Giới

Các nhà sản xuất ô tô luôn chạy đua để sản xuất ra chiếc xe nhanh nhất thế giới kể từ những ngày đầu tiên trong lịch sử phát triển của ngành ô tô. Với những công nghệ sản xuất ngày càng hiện đại, các kỉ lục về tốc độ của siêu xe liên tục được phá vỡ trong khi các nhà sản xuất ô tô thì không ngừng phát triển các mẫu siêu xe đua nhau giành lấy “ngôi vương” trên. Hãy cùng The S Culture khám phá 10 mẫu xe nhanh nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại qua danh sách dưới đây nhé.

10. Saleen s7 (399 km/giờ)

Siêu xe Saleen S7 ra đời vào năm 2000, được trang bị động cơ V8 7.0L hút khí tự nhiên của Ford cho công suất 550 mã lực, mô-men xoắn 712 Nm và là xe thương mại có động cơ mạnh nhất vào thời điểm nó ra đời với tốc độ tối đa có thể đạt lên tới 300km/h, đồng thời cũng là mẫu xe đầu tiên do Saleen tự chế tạo. Vào năm 2005, sau khi Bugatti Veyron ra đời, Saleen đã đáp trả bằng việc tung ra mẫu xe S7 Twin Turbo với động cơ Ford Windsor V8 tăng áp kép, dung tích 7.0L, nâng công suất từ 550, mô-men xoắn 712 Nm lên thành 750 mã lực, mô-men xoắn 949 Nm. Năm 2005, xe có giá bán 585.000 USD (tương đương 13.6 tỷ đồng).

Năm 2007, Saleen tiếp tục cho ra mắt phiên bản S7 LM và hứa hẹn có công suất 1.000 mã lực. Tuy nhiên điều này cũng không thể giúp nó vượt qua đối thủ Veyron và kết quả là Saleen đưa ra quyết định ngừng sản xuất S7 vào năm 2009. Năm 2016, siêu xe S7 tái xuất với công suất 1.000 mã lực trước khi tập đoàn Jiangsu Secco mua lại công ty vào năm 2017.

Phiên bản S7 LM mới hứa hẹn sẽ trang bị động cơ Ford Windsor V8 tăng áp kép, dung tích 7.0L, nhưng cho ra công suất 1.500 mã lực, mô-men xoắn cực đại 1.800 Nm.

9. McLaren Speedtail (402 km/giờ)

Dòng Hypercar này của McLaren sẽ có sức mạnh lên đến 1.035 mã lực và mô-men xoắn 1.149 Nm từ hệ truyền động hybrid. Trong đó, một động cơ xăng tăng áp kép V8 4.0L sản sinh công suất 746 mã lực và mô-men xoắn 799 Nm. Động cơ điện cho ra thêm 308 mã lực và 347 Nm mô-men xoắn. Do hai loại động cơ này sản sinh công suất cực đại ở thời điểm khác nhau nên chỉ cho ra tổng công suất 1.035 mã lực, thay vì 1.054 mã lực nếu cộng cả hai với nhau. Tốc độ tối đa của Speedtail lên đến 402 km/h.

Động cơ tăng áp kép V8 4.0L trên Speedtail chính là động cơ đang được sử dụng cho 720S và Senna. Tuy nhiên, động cơ đã được điều chỉnh đôi chút để phù hợp với động cơ điện còn lại. Động cơ điện hoạt động trực tiếp trên trục đầu vào của hộp số ly hợp kép 7 cấp Graziano. Điều này cho thấy rằng Speedtail có thể hoạt động độc lập với động cơ điện tương tự McLaren P1. Cung cấp năng lượng cho động cơ điện là khối pin nặng 52 kg đặt ngay dưới bình nhiên liệu. Một bộ sạc không dây được đặt ngay dưới cản va trước. Với hệ truyền động hybrid cầu kỳ, Speedtail có khối lượng 1.430 kg, nặng hơn 147 kg so với 720S nhưng lại nhẹ hơn 20 kg so với P1.

Bên trong xe, nội thất của Speedtail gây ấn tượng với cách bố trí 3 ghế ngồi tương tự huyền thoại McLaren F1. Sau F1, Speedtail là mẫu xe thứ hai sở hữu kiểu ghế ngồi này. Nội thất của Speedtail sẽ cùng tone màu chủ đạo với ngoại thất, ghế lái màu xanh nhạt và ghế hành khách màu xám nhạt, chỉ khâu tương phản màu xanh navy.

Speedtail là mẫu xe thứ hai thuộc dòng Ultimate Series của McLaren, sau Senna và cũng là mẫu xe thương mại nhanh nhất của McLaren. Khác với Senna chỉ dành cho đường đua, Speedtail là mẫu xe đường phố hướng đến các đối thủ Bugatti Chiron, Koenigsegg Agera RS.

8. Bugatti Veyron (408.5 km/giờ)

Automobiles Ettore Bugatti được nhiều người đánh giá là hãng siêu xe có hiệu năng cao của Pháp. Hãng xe được thành lập từ năm 1908 bởi nhà thiết kế gốc Ý là Ettore Bugatti. Hiện tại Bugatti trực thuộc tập đoàn đến từ Đức là Volkswagen. Tập đoàn này nổi tiếng với những mẫu siêu xe thể thao tốc độ gắn liền với những tên gọi như là: “siêu xe đắt nhất thế giới”, “xe với động cơ máy bay”, “nhanh như chớp”, “ma tốc độ”, “nhanh nhất hành tinh” hay là” ông hoàng tốc độ”. Bugatti Veyron cũng là một dòng xe thuộc hãng xe này.

Tuy nhiên, Bugatti Veyron chỉ được sản xuất giới hạn với chỉ 450 chiếc trên toàn thế giới và được nhà thiết kế theo phương thức chế tác thủ công. Là một chiếc siêu xe hàng đầu thế giới, nhưng toàn bộ quá trình lắp ráp của Bugatti Veyron tại Pháp chỉ được phụ trách bởi số lượng người là 25 và hoàn toàn không có sự xuất hiện của máy móc cũng như là robot. Toàn bộ công đoạn đều được làm thủ công. Mất khoảng 400 giờ để hoàn thiện chiếc siêu xe này, chỉ riêng với lưới tản nhiệt đã mất 15 giờ. Mỗi chiếc xe có khoảng 10 lưới tản nhiệt.

Bugatti Veyron được biết đến là một dòng siêu xe thương mại nhanh nhất thế giới. Đây có lẽ là giấc mơ của mọi người mê xe trên thế giới, nhưng cái giá bỏ ra để sở hữu chiếc siêu xe này không hề rẻ. Bugatti Veyron Super Sport có giá khoảng 2,4 triệu USD (tương đương 55,2 tỷ đồng) tại Mỹ.

Động cơ mang trong xe sức mạnh 1.200 mã lực và 1.499 Nm mô-men xoắn. Vì vậy mà xe có thể chạy với tốc độ tối đa đến 408.5km/h, cũng có nghĩa là khi người lái sơ suất 1 giây thì xe này có thể phóng thêm được quãng đường 113m. Bugatti Veyron sở hữu khối động cơ khoảng W16 8.0L cho công suất tối đa là 999 mã lực ở vòng tua 6000 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 1.250 Nm tại dải vòng tua 2.200 – 5.500 vòng/phút. Toàn bộ sức mạnh được truyền xuống hệ dẫn động 4 bánh thông qua hộp số 7 cấp DSG.

Bugatti Veyron có bộ ly hợp lớn nhất, hiệu suất cao nhất từng được sử dụng trên chiếc xe dân dụng, tất cả đều thiết kế với mục đích phục vụ cho mô-men xoắn lớn. Bộ ly hợp kép này cùng liên kết với hộp số tự động 7 cấp. Hệ dẫn động 4 bánh như Veyron, hệ thống điều khiển vi sai trung tâm đa đĩa điện tử. 

7. SSC Ultimate Aero (412km/giờ)

Được biết đến với cái tên đầy đủ là Shelby SuperCars, hãng SSC đã từng dùng chiếc Utlimate Aero để đánh bại Bugatti Veyron  để trở thành siêu xe nhanh nhất thế giới.

SSC Ultimate Aero được đưa vào sản xuất lần đầu tiên năm 2006 và nhanh chóng thu hút sự chú ý của toàn thế giới bởi sức mạnh, tốc độ khủng khiếp của nó. Không giống như nhiều siêu xe hiện đại khác, SSC Ultimate Aero ban đầu không có hệ thống ABS, không có hệ thống điều khiển lực kéo, dù tốc độ tối đa của chiếc xe vượt xa ngưỡng 322 km/h.

Năm 2007, SSC Ultimate Aero đã làm nên lịch sử khi đánh bại Bugatti Veyron để trở thành siêu xe thương mại nhanh nhất thế giới, khi đó chiếc SSC Ultimate Aero TT đã vượt qua tốc độ 412 km/h.

Ultimate Aero sở hữu động cơ V8 sử dụng hệ thống tăng áp Twin turbo với công suất 1.287 mã lực. Xe này có thể tăng tốc từ 0 lên 96,5 km/h trong vòng 2,65 giây. Ultimate Aero được sản xuất từ năm 2006 tới năm 2013. Khi ra mắt thị trường vào năm 2007, siêu xe này có giá 740.000 USD (tương đương 17 tỷ đồng). Nhưng vào tháng 8/2018, một chiếc SSC Ultimate Aero năm 2010 được chào bán với giá chỉ 225.000 USD (tương đương 5,1 tỷ đồng). 

6. Koenigsegg Agera R (418 km/ giờ)

Cánh gió sau của siêu xe này sẽ cho biết nó là bản R, bản đặc biệt chứ không phải bản tiêu chuẩn. Vành xe đa chấu với viền vành trắng. Koenigsegg Agera R ra mắt tại triển lãm ôtô Geneva 2011 với thiết kế lấy cảm hứng từ chủ đề Speed Racer huyền thoại, với bộ lốp Michelin và chiếc hộp đựng ván trượt tuyết trên nóc xe. Chữ R mang ý nghĩa là phiên bản đặc biệt của Agera bản tiêu chuẩn.

Siêu xe trang bị động cơ 5 lít V8 tăng áp turbin kép công suất 1.100 mã lực tại vòng tua 6.900 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 1.000 Nm tại vòng tua từ 2.700 đến 6.170 vòng/phút. Động cơ có thể sử dụng nhiều loại nhiên liệu, nhưng ưu tiên nhiên liệu sinh học. Tuy nhiên, nếu dùng xăng A95, sức mạnh siêu xe giảm 100 mã lực và mô-men xoắn cũng giảm 136 Nm. Hộp số 7 cấp với cần sang số trên vô-lăng.

Vành trước kích thước 19 inch với phanh ceramic và bộ kẹp phanh 6 piston, vành sau kích thước 20 inch và bộ kẹp phanh 4 piston. Hệ thống treo sau Triplex. Tất cả các phiên bản của Agera đều sử dụng hệ thống cửa độc đáo của Koenigsegg và chiếc mui cứng có thể gỡ ra hoặc xếp lại gọn gàng.

Agera R có thể tăng tốc từ 0 lên 100 km/h chỉ sau 2,9 giây. Tốc độ tối đa đạt 418 km/h.

5.  Bugatti Chiron (420 km/giờ)

Bugatti Chiron cần quãng đường 4,3 km chạy thẳng để đạt được mức tốc độ 420 km/h. Nhờ khối động cơ W16 tăng áp, tiếng kêu của nó giống như một chiếc máy bay phản lực đang cất cánh, khiến bất cứ ai cũng phải phấn khích.

Chiron là siêu xe kế nhiệm mẫu Veyron. Model này được sản xuất giới hạn 500 chiếc. Mỗi năm, nhà máy của hãng tại Pháp có thể cho ra đời tối đa 70 chiếc với giá từ 2,7 triệu USD (tương đương 62,1 tỷ đồng) cho mỗi chiếc.

Bugatti Chiron được trang bị động cơ quad-turbo W16 dung tích 8 lít sản sinh công suất 1.479 mã lực và mô men xoắn cực đại 1.600 Nm tại dải vòng tua 2.000-6.000 vòng/phút. Chiron có khả năng tăng tốc từ 0 đến 100 km/h trong chưa đầy 2,5 giây, 0-200 km/h trong chưa tới 6,5 giây và 0-300 km/h dưới 13,6 giây. Giới hạn tốc độ điện tử của Chiron là 420 km/h.

Theo tính toán của hãng, chiếc Chiron cuối cùng sẽ xuất xưởng vào năm 2023. Khi đó, hãng sẽ tung một model khác để thay thế nó.

 4. Bugatti Veyron Super Sport (431 km/giờ)

Với mức giá cao ngất ngưởng 2,7 triệu USD (tương đương 62,1 tỷ đồng), Veyron 16.4 Super Sport còn gây sốc khi lập tức ghi tên mình vào sách kỷ lục Guinness vào thời điểm nó ra mắt với tốc độ tối đa 431 km/h.

Bugatti cử Pierre Henri Raphanel, tay đua F1 nổi tiếng vì chỉ tham gia một giải đua duy nhất trong đời, thực hiện buổi lái thử tại đường thử của Volkswagen Group ở Ehra-Leissien (Đức) vào ngày 26/6. Đại diện sách kỷ lục Guinness và Cơ quan kiểm duyệt kỹ thuật Đức có mặt để giám sát.

So với công suất 1.001 mã lực của Veyron Grand Sport, Veyron Super Sport có công suất 1.200 mã lực, mô-men xoắn cực đại 1.500 Nm và những thay đổi về thiết kế theo hướng khí động học. Bugatti Veyron Super Sport sở hữu khối động cơ 8 lít W16, hệ thống tăng áp quad-turbo giúp siêu xe này có thể tăng tốc từ 0-100 km/h trong 2,4 giây và đạt vận tốc tối đa 431km/h .

Một điểm đáng chú ý: kể cả với giá bán cao ngất trời 2,7 triệu USD (tương đương 62,1 tỷ đồng), hãng mẹ Volkswagen vẫn phải bù lỗ tới… 6 triệu USD cho mỗi chiếc Bugatti Veyron bán ra. Nguyên nhân là để phát triển siêu xe này, chi phí đầu tư cho công nghệ và thiết kế của hãng được xem như vô giá. Lấy ví dụ, khi chạy ở vận tốc 400 km/h, bộ lốp đặc biệt Michelin PAX cũng chỉ trụ được trong vòng 15 phút. Ngoài ra, bình xăng có dung tích 100 lít sẽ cạn sau chỉ 12 phút, tức là tức là nhiều hơn cả mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình trên đường đua của những chiếc xe công thức 1.

3. Hennessey Venom GT (435 km/giờ)

Được mệnh danh “Ma tốc độ vùng Texas”, siêu xe này được trang bị động cơ V8 tăng áp kép, dung tích 7 lít, công suất tối đa 1244 mã lực. vào ngày 14/2/2014, tại căn cứ không quân Kennedy Space Center (Mỹ), Venom GT phá kỷ lục của chính nó năm trước khi đạt vận tốc 435 km/h và trở thành mẫu xe nhanh nhất hành tinh vào thời điểm ra mắt.

Tuy nhiên, kỷ lục 435 km/h của Venom GT không được tổ chức Guinness Thế giới công nhận. Theo họ, xe đạt kỷ lục phải chạy 2 lần theo 2 chiều khác nhau, nhưng siêu xe này chỉ có thể chạy được 1 lần duy nhất, bởi đó là tất cả những gì NASA cho phép. Để “bù lại”, Guinness công nhận Venom GT là mẫu xe dân dụng nhanh nhất về thời gian tăng tốc từ vạch xuất phát: chỉ mất 13,63 giây để tăng từ 0-300 km/h.

Hennessey Venom GT sở hữu động cơ Twin turbo V8 công suất 1.200 mã lực. Hennessey Venom GT được tạo lên từ sợi cacbon và những vật liệu nhẹ khác nên chỉ có trọng lượng chỉ khoảng 1.088 kg. Xe được trang bị hộp số sáu cấp của Ricardo, cùng những chiếc lốp đặc biệt chuyên sử dụng trên những siêu xe có công suất siêu cao. Bộ má phanh cacbon-ceramic cũng là một trong những trang bị cao cấp trên siêu xe này.

Chỉ có 12 chiếc siêu xe này được sản xuất (từ năm 2011 đến 2017) và có giá gốc là 1,2 triệu USD (tương đương 28 tỷ đồng). 

2. Koenigsegg Agera RS: 447 km/giờ

Vào ngày 4-11-2017, Phòng Giao thông Vận tải Nevada đã đóng cửa một đoạn đường dài 11 dặm ngay bên ngoài Las Vegas để thử nghiệm tốc độ của Koenigsegg Agera RS. Cùng với tay đua Niklas Lilja, chiếc Koenigsegg Agera RS đã đạt tốc độ tối đa 447dặm/giờ và được sách kỷ lục Guinness công nhận là chiếc xe có tốc độ cao nhất thời điểm đó.

Agera RS được trang bị động cơ turbo V8 5,0 lít cho công suất lên tới 1.380 mã lực và mô-men xoắn cực đại 1.011 lb-ft, khung xe được làm bằng cacbon sợi. Xe được trang bị hộp số 7 cấp với lẫy chuyển số thông minh trên vô-lăng.

Ngoài ra, xe còn được trang bị nhiều tính năng và thiết bị hiện đại như túi khí kép, mui xe nhẹ với đệm cứng có thể tháo rời, cửa sổ điện, bàn đạp có thể điều chỉnh, ghế thể thao bằng carbon có lỗ thoát hơi, phanh gốm carbon ABS, KES, hệ thống nâng thủy lực phía trước và sau, phanh điện, cảm biến G, hệ thống giám sát áp suất lốp.

Agera RS đạt siêu tốc độ nhờ vào việc giảm trọng lượng xe và tăng áp lực với cánh phụ nhỏ hơn, khung xe nhẹ và cánh sau hoạt động tạo ra lực ép tương đương 450 kg khi xe đạt tốc độ 249,4 km/h. Xe có trọng lượng không tải là 1.395 kg.

1. Bugatti Chiron Super Sport 300+: 489 km/giờ

Phải chờ tới năm 2019, siêu xe thương mại mới chính thức cán mốc tốc độ trên 482 km/h (300 dặm/h). Được cầm lái bởi Andy Wallace – người từng thắng giải Le Mans trên cung đường đua mà ông từng cán mốc 389 km/h bằng chiếc McLaren F1. Siêu xe Chiron đuôi dài lần đầu tiên chạm mốc kỷ lục mới. Tốc độ này giống với việc siêu xe chạy hết chiều dài sân bóng đá chỉ trong 1 giây. Tốc độ này được Hiệp hội Giám sát Kỹ thuật Đức (TUV) trao chứng nhận kỷ lục tốc độ lớn nhất mà một siêu xe thương mại có thể đạt được, phá vỡ kỷ lục 458 km/h trước đó của Koenigsegg Agera RS năm 2017.

Về thiết kế, phiên bản này không khác gì chiếc xe từng xuất hiện trong clip phá kỷ lục được Bugatti đăng tải với vỏ ngoài làm từ sợi carbon tô điểm bằng các họa tiết cam sáng màu (giống Veyron Super Sport). Lưới tản nhiệt hình móng ngựa đen đặt cạnh các hốc gió, các khe gió hình tròn xuất hiện mặt trên nắp capô, thẳng từ bánh xe lên.

Đuôi xe được kéo dài hơn hẳn Chiron thường và nay có thêm nắp động cơ cùng hệ thống ống xả dạng tứ đặt dọc giống Bugatti Centodieci mới đây. Khác biệt duy nhất giữa bản sản xuất và mẫu prototype là bộ mâm sơn đen đặt riêng.

Bên trong nội thất của Bugatti Chiron SuperSport 300+ từng phá kỷ lục tốc độ được tối giản hết mức có thể, ghế lái được thay bằng ghế xe đua, ghế phụ được tháo ra để lắp máy tính và thiết bị lưu dữ liệu GPS. Ở phiên bản bán ra thị trường, Chiron Super Sport 300+ sẽ được lắp ghế thường, đồng thời không có khung bảo vệ người lái như bản prototype. Ngoài ra, chiều cao thân xe cũng được đưa về chuẩn thông thường.

Về truyền động, Chiron Super Sport 300+ vẫn được trang bị động cơ W16 8.0 lít với 4 bộ tăng áp như mẫu prototype. Động cơ này cho công suất 1.578 mã lực. Chiron Super Sport 300+ sẽ trang bị bộ giới hạn tốc độ điện tử nhưng chính Bugatti cũng chưa rõ phải đặt bộ này ở ngưỡng nào.

Khách hàng sẽ được trải nghiệm mẫu prototype không giới hạn tốc độ của Bugatti Chiron Super Sport 300+ trước khi mua xe. Ngoài ra, người mua có thể lái thử xe trên đường thử Ehra-Lessien của VW Group. Sẽ chỉ có 30 chiếc được sản xuất và phân phối trên toàn thế giới với giá 3,9 triệu USD (tương đương 91 tỷ đồng)/chiếc.

Nguồn: Topspeed

Share this post

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Tin Mới Nhất