a10

10 “Đế Chế” Gia Tộc Giàu Nhất Châu Á

Theo thống kê của Bloomberg’s Billionaire Index, tính đến tháng 9/2020, 10 gia tộc giàu nhất châu Á hiện tại nắm giữ khối tài sản trị giá tổng cộng hơn 250 tỷ USD. Thu nhập chính của các gia tộc này đến từ nhiều lĩnh vực hoạt động như tài chính, bất động sản, năng lượng và thực phẩm. Các thành viên của gia tộc cũng là những người đứng sau các đế chế thương mại như Reliance, Samsung và Lee Kum Kee.

Hãy cùng The S Culture khám phá 10 gia tộc giàu nhất châu Á theo danh sách vừa được Bloomberg công bố gần đây nhé.

10. Gia tộc Kwek/Quek

Ông Kwek Leng Beng vào năm 2017. Ảnh: WireImage

Quốc gia: Singapore/Malaysia

Tổng tài sản: 4,79 tỷ USD

Lĩnh vực kinh doanh: Đa ngành nghề

Ước tính có khoảng 15 thành viên của gia đình Kwek/Quek tham gia vào hoạt động điều hành Tập đoàn Hong Leong, hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ khách sạn đến tài chính. Trong đó, ông Quek Leng Chan điều hành các hoạt động kinh doanh tại Malaysia của gia đình, còn anh họ của ông, Kwek Leng Beng, chịu trách nhiệm vận hành các hoạt động của tập đoàn tại Singapore.

9. Gia tộc Chearavanont

Chủ tịch cấp cao Dhanin Chearavanont. Ảnh: Reuters

Quốc gia: Thái Lan

Tổng tài sản: 4,95 tỷ USD

Lĩnh vực kinh doanh: Bán lẻ

Gia đình Chearavanont sở hữu Charoen Pokphand Group, đế chế đa ngành hoạt động trong các lĩnh vực thực phẩm, bán lẻ và viễn thông. Được thành lập từ năm 1921, tập đoàn này là một trong những nhà sản xuất gia súc và thức ăn gia súc lớn nhất trên thế giới.

Dhanin Chearavanont là Chủ tịch cấp cao của tập đoàn trong khi hai người con trai của ông, Soopakij và Suphachai, lần lượt giữ chức Chủ tịch và Giám đốc điều hành. Charoen Pokphand Group đã quyên góp hàng triệu USD cho các nỗ lực phòng chống đại dịch COVID-19 ở Thái Lan trong năm nay.

8. Gia tộc Kadoorie

Chủ tịch Michael Kadoorie trong lễ kỷ niệm 150 năm thành lập tập đoàn The Hong Kong & Shanghai Hotels. Ảnh: South China Morning Post

Quốc gia: Hồng Kông

Tổng tài sản: 10,1 tỷ USD

Lĩnh vực kinh doanh: Năng lượng

Gia đình Kadoorie nắm quyền điều hành công ty cung cấp năng lượng lớn nhất Hồng Kông, CLP Holdings, nhà cung cấp điện cho khu vực Cửu Long và Tân Giới, chiếm 80% diện tích đặc khu. Hiện tại, Michael Kadoorie là chủ tịch của CLP Holdings và The Hongkong & Shanghai Hotels, tập đoàn sở hữu chuỗi khách sạn Peninsula Hotels. Ông là thế hệ thứ ba của gia đình Iraq gốc Do Thái lãnh đạo “đế chế” này.

Theo Bloomberg, Michael Kadoorie và vợ sống trong một dinh thự trị giá 30 triệu USD ở Vịnh Nước Sâu nổi tiếng của Hồng Kông. Họ có với nhau 3 người con. Kadoorie từng chia sẻ với báo South China Morning Post rằng ông đang sắp xếp cho cả ba người con tiếp quản cơ nghiệp của gia tộc.

7. Gia tộc Lee

Quốc gia: Hồng Kông

Tổng tài sản: 19,1 tỷ USD

Lĩnh vực kinh doanh: Đa ngành

Gia tộc Lee ở Hồng Kông sở hữu đế chế thực phẩm và đồ uống Lee Kum Kee, được thành lập vào năm 1888 khi ông Lee Kum Sheung tình cờ phát minh ra dầu hào khi lỡ nấu một món canh quá lửa. Công ty này hiện là nhà sản xuất dầu hào lớn nhất trên thế giới.

Gia tộc Lee cũng tập trung kinh doanh các sản phẩm bổ sung sức khỏe, thảo dược và bất động sản. Thậm chí, họ còn sở hữu tòa nhà Walkie-Talkie nổi tiếng của London.

Chủ tịch tập đoàn hiện tại là ông Lee Man Tat, trong khi con trai lớn Charlie xử lý các hoạt động kinh doanh hàng ngày và bốn người con khác của ông cũng tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình.

6. Gia tộc Cheng 

Ông Henry Cheng, chủ tịch công ty đá quý Chow Tai Fook. Ảnh: South China Morning Post

Quốc gia: Hồng Kông

Tổng tài sản: 20,6 tỷ USD

Lĩnh vực kinh doanh: Đa ngành

Gia tộc Cheng là người sở hữu đế chế trang sức, đá quý Chow Tai Fook, được thành lập từ năm 1929, và một công ty bất động sản nắm quyền kiểm soát tập đoàn khách sạn danh tiếng Rosewood Hotel Group. Có khoảng 10 thành viên trong gia tộc Cheng tham gia điều hành công việc kinh doanh của gia đình, trong đó ông Henry Cheng là nhà sáng lập, hiện đang giữ chức chủ tịch của Chow Tai Fook.

Ngoài trang sức và bất động sản, gia tộc Cheng còn lấn sân sang các lĩnh vực bách hóa, viễn thông và năng lượng. Cả hai người con của Henry đều tốt nghiệp từ đại học Harvard và tham gia vào việc kinh doanh của gia đình. Trong khi con gái Sonia là người đứng đầu Rosewood Hotel Group thì con trai Adrian là phó chủ tịch của tập đoàn bất động sản sở hữu Rosewood.

5. Gia tộc Mistry 

Pallonji Mistry. Ảnh: Universal Images Group

Quốc gia: Ấn Độ, Ireland

Tổng tài sản: 22,6 tỷ USD

Lĩnh vực kinh doanh: Công nghiệp

Cơ nghiệp của gia tộc Mistry ra đời vào năm 1865 tại Ấn Độ, khi ông nội của tỷ phú Pallonji Mistry thành lập một công ty xây dựng với một doanh nhân người Anh. Pallonji Mistry đã thừa kế đế chế và biến tập đoàn Shapoorji Pallonji của gia đình thành “người khổng lồ” trong nhiều lĩnh vực, bao gồm xây dựng và kỹ thuật.

Forbes gọi ông Mistry, một người Ấn Độ nhưng lại sống tại Ireland, là người “ẩn dật” vì ông rất kín tiếng trước truyền thông. Ông và gia đình nắm phần lớn cổ phần của Tata Sons, một tập đoàn đầu tư gồm 30 công ty lớn nhỏ khác nhau, có chi nhánh tại hơn 100 quốc gia và có hơn 700.000 nhân viên, hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực từ thép, nhà máy điện cho đến công nghệ thông tin, trung tâm mua sắm, ô tô, trà, khách sạn…

4. Gia tộc Hartono

Michael Bambang Hartono năm 2018. Ảnh: AFP

Quốc gia: Indonesia

Tổng tài sản: 25,7 tỷ USD

Lĩnh vực kinh doanh: Thuốc lá, ngân hàng

Năm 1950, ông Oei Wie Gwan mua lại một nhãn hiệu xì gà và đặt lại tên hãng thành Djarum. Công ty này hiện phát triển thành một trong những hãng sản xuất xì gà lớn nhất tại Indonesia. Sau khi ông Oei qua đời vào năm 1963, hai con trai ông, Michael và Budi, đã thừa kế thương hiệu thuốc lá Djarum. Sau khi nắm quyền điều hành, hai anh em đã mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực tài chính ngân hàng thông qua khoản đầu tư vào Ngân hàng Bank Central Asia – ngân hàng lớn nhất tại Indonesia tính theo giá trị vốn hoá. Hiện cổ phần tại ngân hàng này chiếm phần lớn tài sản của nhà Hartono.

3. Gia tộc Lee

Phó Chủ tịch Samsung Electronics, Jay Y. Lee, trên đường đến phiên tòa xét xử ở Seoul tháng 10/2019. Ảnh: Reuters

Quốc gia: Hàn Quốc

Tổng tài sản: 26,74 tỷ USD

Lĩnh vực kinh doanh: Công nghệ

Năm 1938, doanh nhân Lee Byung-chull bắt đầu xây dựng Samsung, khi đó chỉ là một công ty xuất khẩu thực phẩm. Đến năm 1969, Samsung bắt đầu bước chân vào lĩnh vực kinh doanh điện tử bằng việc thành lập Samsung Electronics. Sau khi Lee Byung-chull qua đời vào năm 1987, con trai thứ ba Lee Kun-hee tiếp quản cơ nghiệp của gia đình và mở rộng hoạt động của tập đoàn trên quy mô toàn cầu, tập trung đầu tư nghiên cứu, phát triển vào lĩnh vực điện tử tiêu dùng, cụ thể là các mảng điện thoại di động, TV, chip điện tử và chất bán dẫn.

Khi Lee Kun-hee bị truỵ tim vào năm 2014, con trai của ông, Jay Y. Lee, đã lên nắm quyền điều hành gã khổng lồ công nghệ của Hàn Quốc. Tuy nhiên, người cầm quyền hiện tại của Samsung vừa bị các công tố viên Hàn Quốc truy tố về tội thao túng giá cổ phiếu. Trước đó, ông cũng từng bị kết tội khai man, tham ô và hối lộ và phải nhận bản án 5 năm tù giam trước khi tòa phúc thẩm tuyên giảm án. Đầu năm nay, ông đã tuyên bố trước giới báo chí rằng ông sẽ không chuyển giao quyền quản lý Samsung cho hai người con của mình.

2. Gia tộc Kwok

Ảnh: AFP

Quốc gia: Hồng Kông

Tổng tài sản: 27,93 tỷ USD

Lĩnh vực kinh doanh: Bất động sản

Năm 1972, cổ phiếu của Sun Hung Kai Properties được niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông và đến nay, công ty này trở thành một trong những đế chế bất động sản lớn nhất tại Hồng Kông. Đứng sau công ty này là gia tộc Kwok. Hiện tại, công ty đang được điều hành bởi tỷ phú Raymond Kwok, dù doanh nhân Kwok Tak-seng có đến ba người thừa kế tập đoàn khi ông từ trần vào thập niên 1990.

Người anh cả trong ba anh em, tỷ phú Walter Kwok đã qua đời vì đột quỵ vào năm 2008, để lại tài sản cho hai con trai Jonathan và Geoffrey Kwok của mình. Năm 2012, hai người em Raymond và Thomas Kwok đã bị bắt vì tội hối lộ. Raymond được tòa tuyên trắng án nhưng Thomas phải nhận án tù 5 năm vì hành vi phạm pháp của mình. 

1. Gia tộc Ambani

Ảnh: Reuters

Quốc gia: Ấn Độ

Tổng tài sản: 88,3 tỷ USD

Lĩnh vực kinh doanh: Năng lượng

Theo Bloomberg Billionaires Index, tỷ phú Mukesh Ambani hiện là người giàu thứ sáu thế giới. Khi ông Dhirubhai Ambani, cha của Mukesh và Anil Ambani, và là nhà sáng lập công ty tiền thân của Reliance Industries qua đời vào năm 2002 mà không để lại di chúc, vợ ông đã đưa ra một thoả thuận chia khối tài sản khổng lồ cho các con trai, khiến ông và em trai mình, Anil, trở thành những tỷ phú của Ấn Độ.

Trong khi người em Anil ngày một sa sút với những quyết định đầu tư sai lầm, Mukesh lại trở thành người đứng đầu đế chế Reliance Industries, sở hữu khu tổ hợp chế xuất dầu lớn nhất thế giới, đồng thời mở rộng việc kinh doanh sang nhiều lĩnh vực khác. Gia đình Ambani sống trong một tòa nhà 27 tầng ở Mumbai và có một cuộc sống xa hoa, thậm chí gia đình này từng tổ chức một lễ cưới và mời Beyoncé đến góp giọng.

Nguồn: Business Insider

Share this post

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Tin Mới Nhất